Mẹ Đỗ Nhật Nam: Thói quen chi tiêu ảnh hưởng đến số phận, hãy dạy con cách quản lý tài chính trước 5 tuổi !

27/11/2019 08:20
Mẹ Đỗ Nhật Nam: Thói quen chi tiêu ảnh hưởng đến số phận, hãy dạy con cách quản lý tài chính trước 5 tuổi !

Trước 5 tuổi, bạn nên giúp con bạn hiểu rõ: Tiền tiết kiệm/ Tiền chi tiêu/ Tiền cho đi đều phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể.

Sử dụng tiền hợp lý là một kỹ năng sống quan trọng của mỗi người, nhưng thực tế khá nhiều người lớn vẫn chưa có được kỹ năng này.

Từ 3 tuổi trẻ em người Do Thái đã được dạy phân biệt tiền giấy và tiền kim loại, nhận biết mệnh giá. 4 tuổi, bé biết không thể mua hết các mặt hàng, vì thế phải lựa chọn. 8 tuổi, bé biết nghĩ cách kiếm tiền tiêu vặt... Còn ở Việt Nam, không ít ông bố bà mẹ sợ con cái tiếp xúc tới tiền sớm sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sự hình thành nhân cách và phát triển của con. Họ thường tìm cách né tránh, hoặc chưa trang bị cho trẻ những kỹ năng cần thiết trong việc sử dụng đồng tiền. Câu chuyện về giáo dục con cái làm quen với tiền bạc và quản lý tài chính đã được mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam - chị Phan Hồ Điệp chia sẻ trên facebook cá nhân. 

Mẹ Đỗ Nhật Nam chỉ rõ: Thói quen chi tiêu ảnh hưởng đến số phận mỗi người, vì thế trước 5 tuổi hãy dạy con cách quản lý tài chính! - Ảnh 1.

Chị Phan Hồ Điệp với quan điểm rõ ràng về vân đề giáo dục con cái sớm biết cách quản lý tài chính (Ảnh: FBNV)

Dưới đây là quan điểm riêng của chị Điệp: 

"Một bà mẹ nhắn tin cho mình trong trạng thái rất mất bình tĩnh: Chị ơi, hôm nay lần đầu tiên em đánh con, vừa đánh vừa khóc, cả mẹ và con. Vì con lấy trộm 100.000 trong ví mẹ đi mua đồ ăn ngoài cổng trường đãi bạn. Trong cơn nóng giận, em đã gọi con em là "ăn cắp". Giờ em cũng thấy ân hận nhưng em vẫn bị shock vì em không thể nghĩ con lại làm vậy.

Mình hỏi, thế đã bao giờ em cho con tiền hay dạy con về cách tiêu tiền chưa?

Bạn trả lời: Chưa ạ, em sợ con tiếp xúc với tiền sớm thì sẽ không tốt.

Rất nhiều ông bố, bà mẹ cũng có suy nghĩ như vậy.

Nhưng bạn ơi, trước 5 tuổi, bạn nên giúp con hiểu những điều sau:

1. Tiền đến từ việc làm việc, lao động.

2. Khi chi tiêu, ưu tiên cho thứ mình CẦN rồi mới đến thứ mình MUỐN

3. Tiền cần phải để dành cho những mục tiêu dài hạn.

4. Tiền không phải là vô hạn, sẽ chỉ có số lượng nhất định tiền trong gia đình và vì thế cần tiết kiệm nó.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để con có thể hiểu được những điều tưởng như rất đơn giản bên trên, các bạn có thể tham khảo gợi ý sau nhé:

1. Cách thường làm nhất là bố mẹ hãy làm cho con ba lọ, bên ngoài đề là: Tiền tiết kiệm/ Tiền chi tiêu/ Tiền cho đi.

Để có được nguồn tiền, con cần lao động và bố mẹ sẽ trả công. Có thể lên danh sách những việc con sẽ được trả công, ví dụ cho chó mèo ăn, tưới cây, lau xe, đóng hộp đựng đồ chơi… Ý kiến cá nhân mình là không nên trả tiền cho những việc liên quan đến học và đọc. Chỉ nên trả tiền cho những gì liên quan đến LAO ĐỘNG của trẻ. Nguồn tiền cũng có thể đến từ việc "trợ cấp" của bố mẹ hàng tuần hoặc hàng tháng.

Sau khi có được nguồn tiền, hãy hướng dẫn con chia ra các lọ, theo cách: 20% lọ "tiền tiết kiệm"; 20% lọ "tiền cho đi" và 60% còn lại là ở lọ" tiền chi tiêu". Thảo luận để xem tiền trong các lọ sẽ dùng vào mục đích gì, ví dụ tiền chi tiêu sẽ dùng để mua ăn sáng, mua quà sinh nhật, mua đồ chơi, mua sách…

Mẹ Đỗ Nhật Nam chỉ rõ: Thói quen chi tiêu ảnh hưởng đến số phận mỗi người, vì thế trước 5 tuổi hãy dạy con cách quản lý tài chính! - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Tiền tiết kiệm/ Tiền chi tiêu/ Tiền cho đi đều phải có kế hoạch chi tiết, cụ thể.

"Tiền cho đi" sẽ dùng cho các hoạt động như: ủng hộ quỹ bảo vệ môi trường, bảo vệ động vật hoang, mua tặng suất ăn cho các bạn mồ côi… Hãy khuyến khích để con tăng nguồn tiền trong khả năng và được sự cho phép như vẽ tranh, làm đồ chơi để bán, cho thuê sách, cho thuê xe đạp trong khu dân cư…

2. Rủ con tham gia những hoạt động có thể giúp cắt giảm chi tiêu, ví dụ:

Nhờ con tìm các phiếu mua hàng giảm giá; so sánh xem nên mua loại thực phẩm nào để tiết kiệm mà vần phù hợp; so sánh chi phí giữa một bữa ăn ở ngoài hàng và mua về nhà ăn.

Nhờ con giữ hộ các hóa đơn như tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước… và bàn với cả nhà xem nên làm những gì để giảm số tiền phải trả ở tháng sau.

Khuyến khích con tận dụng những cuốn vở cũ làm giấy nháp, tận dụng áo của bố làm áo choàng khi học vẽ, tận dụng các hộp bìa làm thùng để đồ chơi… và tính xem mình đã tiết kiệm được bao nhiêu.

3. Khi cùng con đi siêu thị, có thể lên danh sách những thứ CẦN và những thứ MUỐN. Và tất nhiên, hãy chọn những thứ CẦN trước đã, số tiền còn lại sẽ cân nhắc để mua hoặc không mua những thứ MUỐN ( ví dụ một món đồ chơi của con).

Sẽ có nhiều cách khác mà các bạn sẽ nghĩ ra. Tuy nhiên phải nói thực, đây là việc rất khó. Vì trẻ con hiện nay bị tác động bởi nhiều thứ liên quan đến vật chất. Chúng sẽ mong muốn có nhiều đồ chơi khi còn nhỏ và khi lớn lên là quần áo, phụ kiện, điện thoại, xe… Và "thế hệ thú cưng" ra đời với việc chi tiêu không cần phải nghĩ.

Mẹ Đỗ Nhật Nam chỉ rõ: Thói quen chi tiêu ảnh hưởng đến số phận mỗi người, vì thế trước 5 tuổi hãy dạy con cách quản lý tài chính! - Ảnh 3.

Khi chi tiêu, ưu tiên cho thứ mình CẦN rồi mới đến thứ mình MUỐN.

Hôm trước đọc lời khuyên này khiến mình ngạc nhiên, đó là: Khi con đòi mua gì đó, bạn đừng nên nói với con là bạn nghèo ( kể cả bạn có nghèo thật) mà hãy nói với con là điều đó chưa có trong danh sách chi tiêu. Muốn có chúng ta cần phải tiết kiệm và thực hiện những công việc gì.

Đọc xong giật thột cả mình vì hồi Nam nhỏ, mình hay nói là bố mẹ nghèo mà. Thế mới biết cái gì cũng cần phải học và học một cách chính thống, bài bản. Thói quen chi tiêu thực sự quan trọng với cuộc đời của mỗi người, thậm chí nó có thể ảnh hưởng đến số phận. Và thói quen này có thể hình thành từ năm 7 tuổi.

Trong khi nhà trường còn đang lúng túng với những nội dung này, các cha mẹ cũng cần tự trang bị kiến thức để hướng dẫn con cho đúng, để khỏi rơi vào tình trạng bối rối như bà mẹ mình kể ở trên."

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 12/10/2024