Lan man về chữ cõi trong tên sách Cõi Việt

20/08/2019 10:05
Lan man về chữ cõi trong tên sách Cõi Việt

Không có gì phải tự ti với yếu tố Hán Việt trong Cõi Ngôn Ngữ nước ta cả. Tất nhiên, nếu gặp một từ thuần Việt được ông cha dùng từ nghìn năm trước, cõi lòng ta rung lên vì biết bao nỗi niềm: niềm hoài cổ, tình dân tộc, lòng biết ơn thương nhớ tổ tiên... biết bao tình tự dân tộc trong đó.

Mở vài Từ Điển tiếng Việt, tổng hợp được định nghĩa của Cõi là:
a) Một vùng đất có cương vực nhất định. Thí dụ: Cõi Đông Dương, Cõi nước Việt, Cõi Biên Thùy (Kiều)...
b) Một khoảng không gian rộng lớn. Thí dụ Cõi trên, nghĩa là nơi bên trên của hạ giới, nơi những người khuất mày khuất mặt ở.
c) Một khoảng thời gian. Thí dụ: Cõi Nhân Sinh, Cõi Kiếp Người

Vậy một chữ Cõi mà hàm ý không gian, cũng hàm ý thời gian. Hàm ý thực thể, cũng hàm ý tinh thần (Cõi Nhớ, Cõi Tình, Cõi Mộng Mơ...). Hàm ý đời thường (Cõi Nhân Sinh), cũng hàm ý tâm linh (Cõi Ta Bà, Cõi Luân Hồi, Cõi Âm)...

Chiều mấy ngày trước mưa. Mưa nặng, mưa dai. Tao Đàn Thư Quán, với chủ tịch là anh Thân Hà Nhất Thống, một người bạn lâu năm, cùng một người bạn khác, anh Trần Đức Anh Sơn, mở buổi ra mắt quyển sách đầu tiên của Thư Quán, tác giả Trần Đức Anh Sơn: Cõi Việt.

Một người đặt sách, tướng to lớn, vạm vỡ, đầu húi cua, giơ tay xin nói. Ý chính xin lược ghi như sau:

Tôi mua sách này mà chưa chắc có thì giờ đọc liền.Tôi bận lắm, bận mưu sinh. Giá mua sách, dù không thể so sánh với giá trị thật của sách, vẫn bằng ba ngày thu nhập của tôi! Vậy tại sao tôi mua?

Các anh chị ơi, bởi vì tôi thấy cái tên của nó: CÕI VIỆT.

Một chữ Cõi thôi, với tôi ấm lòng lắm, đã lắm anh chị! Chữ Cõi mang hồn Việt, ý Việt, tình Việt. Chữ Cõi không có tiếng Hán trong đó. Chữ Cõi đủ cho tôi mua quyển sách ôm vào lòng. Cũng như xưa kia nước mình lấy quốc hiệu Đại Cồ Việt vậy. Trời ơi cái chữ Cồ nó đã gì đâu! Cồ là Cồ chứ Cồ không là Đại.Cồ là Việt chứ Cồ không là Hán. Thiệt đã gì đâu!

Kiến thức của người viết không đủ để nói chữ Cõi là thuần Việt hay từ gốc Hán. Cũng như chữ Cồ, có người nói thuần Việt, có người nói từ gốc Hán. Vì nhu cầu tri thức, tôi sẽ hỏi các người có thẩm quyền, nhưng cho bài viết này thì chưa cần. Bởi vì người đàn ông to lớn vạm vỡ đó, anh Đinh Quang Tuyến, bộc lộ rất rõ ràng thông điệp rằng anh yêu tất cả những gì thuộc về nước Việt, dân Việt, hồn Việt, truyền thống Việt... Cái gì anh nghĩ là của người Việt, dân Việt là anh yêu.

Anh Tuyến làm nhiều nghề, trong đó có nghề hướng dẫn du lịch nói tiếng Pháp. Anh cất công tìm học lịch sử, học ngôn ngữ, không phải kiến thức bên ngoài, mà sâu bên trong để giảng giải cho du khách nước ngoài nào muốn tìm hiểu về Việt Nam. Thí dụ anh quan tâm tới phương cách và thời gian vua Quang Trung xuất quân ra Hà Nội đánh quân Tàu xâm lược. Anh quan tâm tới những gì thuộc gốc gác, phong tục, lề thói của người Việt, và những khác biệt giữa chúng với của người Tàu, người phương Tây. Tôi cảm nhận tình dân tộc và tinh thần học hỏi trong những gì anh nói.

Thực ra, không chỉ ở một từ là thuần Việt hay gốc Hán. Hơn ngàn năm bị chiếm đóng, sự pha trộn ngôn ngữ, từ vựng, văn phạm là đương nhiên. Tiếng Hán đời Đường để lại dấu tích khá đậm trong ngôn ngữ Việt cho tới bây giờ. Nhưng với ông cha ta, theo lời thầy Nghiêm Toản, “yếu tố Hán-Việt trong tiếng Việt không cho thấy tính lệ thuộc của người Việt, mà trái lại càng cho thấy tính độc lập dẻo dai của người nước ta” [1].Không có gì phải tự ti với yếu tố Hán Việt trong Cõi Ngôn Ngữ nước ta cả.

Tất nhiên, nếu gặp một từ thuần Việt được ông cha dùng từ nghìn năm trước, cõi lòng ta rung lên vì biết bao nỗi niềm: niềm hoài cổ, tình dân tộc, lòng biết ơn thương nhớ tổ tiên... biết bao tình tự dân tộc trong đó. Tình tự này càng mãnh liệt hơn trong hoàn cảnh hiện nay, khi lực lượng vũ trang Tàu đang lấn chiếm biển đảo cha ông, mà trên đất liền lòng dân chưa hoàn toàn tin cậy vào ý chí bảo vệ bờ cõi hay tính hiệu quả của các chính sách chống xâm lăng. Tôi rung động vì tình tự đó trong câu nói của anh. Trong hoàn cảnh hiện nay, đó là tình yêu Tổ quốc chứ không là quan điểm dân tộc hẹp hòi. Nhìn thái độ và phản ứng khi lắng nghe của các vị khách chung quanh, tôi hiểu họ có cùng cảm nhận.

Không chỉ là chuyện chữ nghĩa, văn chương. Người Việt hiện nay, có ai dám nói mình thuộc dòng máu thuần Việt? Tạm quên các nghiên cứu về nguồn gốc người Đông Sơn xa xưa, chỉ cần nhớ lịch sử gần trên một vùng đất của Việt Nam là Nam Kỳ Lục Tỉnh. Cõi Nam Kỳ được hình thành bởi người Minh Hương cùng với người Việt di dân, người Khmer, cả người Thái, người Ấn, người phương Tây... Tất cả đến đây khai phá vùng đất mới, trở thành một khối người chung nhau quyền lợi trên vùng đất Miền Nam nước Việt này.

Họ có đầy đủ tính chất của tập thể di dân khai phá: rộng mở, hào hiệp, bao dung, mở rộng vòng tay đón người xa xứ lạc loài, bênh người yếu thế, chống cường quyền... Họ có lòng kiêu hãnh của người đã khai phá thành công một Cõi Giang San rộng lớn và giàu có, tạo giá trị kinh tế trên 60% cho quốc gia Việt Nam hiện nay.

Đàng Trong đã kiểm soát, quản lý các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa từ mấy trăm năm trước. Bây giờ Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm Hoàng Sa, chiếm một phần Trường Sa. Và đang tiếp tục lấn chiếm vùng biển rộng lớn còn sót lại ngoài khơi! Tính chất kẻ di dân khai phá chống bạo quyền áp bức, cộng với dòng máu Lạc Hồng quật cường, làm sao chịu được?

Ngoài những lý do khác, có chăng lòng kiêu hãnh và niềm uất hận đó trong Cõi Tâm Tư của những người tới dự buổi ra sách CÕI VIỆT của Trần Đức Anh Sơn, một nhà nghiên cứu cứng tay nghề và cứng cỏi về Biển Đông?

Lê Học Lãnh Vân (ngày 08 tháng 8 năm 2019)
-----------------------------------------------------------
[1] GS Nghiêm Toản, GS Hoàng Xuân Hãn nói về giảng dạy tiếng Việt, tiếng Hán.


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024