Câu chuyện "ôm bụng bầu bỏ đi khỏi nhà bạn trai" của cô gái trẻ Nguyễn Thu Hà (tên nhân vật được thay đổi), 28 tuổi, sống tại TPHCM gây sốt trên một diễn đàn với hàng ngàn biểu cảm và bình luận.
Thu Hà kể, tháng 5 vừa rồi, đầu mùa dịch, cô về thăm quê bạn trai rồi "kẹt" lại khi dịch bùng phát, đường bay bị cấm.
Ở nhà bạn trai gần 6 tháng, cô gái bất ngờ có bầu. Hà gọi là bất ngờ vì cô bị u nang buồng trứng, khó có con. Cô và bạn trai cùng thống nhất có em bé sớm rồi mới tính chuyện cưới hỏi để tránh việc cưới về lại mong chờ. Bất ngờ nhưng không sốc, cả hai rất phấn khởi khi đón tin vui.
Hà có công việc ổn định ở TPHCM. Trước đây, cô và bạn trai từng bàn bạc, cưới hỏi xong có thể sẽ tính đến phương án về quê chồng sống và làm việc.
Cô gái trải lòng, về nhà bạn trai không quen việc, lại bầu bí nên hàng ngày, cô chỉ xoay xở nấu ăn, giặt giũ trong nhà... Việc làm nông, trồng trọt, chăn nuôi, cô chưa làm bao giờ nên chỉ đứng phụ việc.
Nhưng những ngày háo hức, vui vẻ ban đầu nhanh chóng qua. Mẹ bạn trai suốt ngày chê "con gái miền trong hoang phí, lười biếng, nói ở trong kia chứ về đây... chẳng ai lấy con gái như cháu đâu".
Bà dạy Hà phải chi tiêu thật tiết kiệm vì ông bà đang nợ nần chồng chất, con trai đang phải còng lưng ra trả nợ thay bố mẹ. Hà biết việc này từ trước, cũng xác định sau này cưới về, hai vợ chồng cày cuốc tiếp tục trả nợ cho ông bà.
Điều làm Hà nặng lòng nhất là việc ông bà hay cãi lộn, nặng lời, xúc phạm nhau cả ngày không ngớt, trừ lúc đi ngủ. Con cháu, anh em họ hàng hai bên so đo, ganh ghét, từ mặt... và toàn chê bai, nói xấu nhau đủ kiểu.
Đặc biệt, thấy con trai chăm chút bạn gái là ông bà khó chịu, phản ứng ra mặt ngay. Hà bầu bì, mệt mỏi nên bạn trai cùng vào bếp hỗ trợ nấu cơm, giặt đồ, đưa cô đi ăn khuya... Mỗi lần thế, mẹ anh làm rất căng, nói con trai chiều vợ hư và nói Hà đang hành hạ con trai bà.
Trong suy nghĩ của bố mẹ bạn trai, có thể thấy, cô về theo người yêu, có bầu nên giờ ăn bám, chịu lụy. Hôm ngồi ăn cơm cả gia đình, mẹ bạn trai đe: "Giờ có bầu rồi, nhà trai cũng đành phải chấp nhận, chứ không cứu vãn được nữa". Rồi bà than thở, thương cho con trai mình số khổ. Cả nhà còn lên tiếng, dọa cô sẽ không cưới hỏi này kia...
Hà đứng dậy, nói rất lễ phép: "Chuyện gì cũng có thể cứu vãn, bố mẹ không cứu vãn được thì để con cứu vãn... Cô gái cũng nhắn lại, bố mẹ ráng tìm cho con mình người nào lấy về đỡ khổ, để con trai bố mẹ sung sướng, không cần đụng tay vào việc nấu ăn, rửa bát trong gia đình".
Ngay sau đó, Hà vác bụng bầu ra khỏi nhà bạn trai và bay trở về Sài Gòn... Bạn trai và cả bố mẹ há hốc, gọi điện í ới.
Tự chủ để lựa chọn
Thu Hà chia sẻ, cô thương người yêu nhưng suy nghĩ kỹ "mình thương họ rồi ai thương mình, thương con mình". Cô xác định để con nhận bố qua lại nếu anh có nhu cầu nhưng cô không muốn gắn cuộc đời mình, cuộc đời con với gia đình chồng quá phức tạp và nhiều định kiến như vậy.
Quan điểm của cô gái, phụ nữ có "lỡ làng" gì đi nữa thì vẫn có quyền lựa chọn cho mình và cho con.
Câu chuyện của Thu Hà làm nổ ra những tranh cãi trái chiều. Không ít người cho rằng Hà vội vàng về quê người yêu ăn ở, lại để có bầu nên bị "mất giá" trong mắt gia đình nhà trai. Là phụ nữ, "mất giá" rồi thì nên biết mình biết ta, chấp nhận thực tế.
Một số người cho rằng, nhà bạn trai còn chấp nhận là may... Thực tế, việc có bầu trước vẫn rất nặng nề với phái nữ. Nhiều cô gái vì lỡ có bầu nên không rút ra được khỏi mối quan hệ toàn nước mắt, khổ đau, để con sống trong môi trường gia đình ngột ngạt, bạo lực...
Nhưng ở trường phái ngược lại, nhiều người ủng hộ lẫn ngưỡng mộ quyết định dứt khoát của Hà. Người con gái trước ngưỡng cửa hôn nhân, dù đã có bầu... nhưng khi nhìn thấy phía trước không phải hạnh phúc chờ đón thì dũng cảm "quay đầu", tìm một hướng đi khác tươi sáng hơn, chứ không cam chịu, buông xuôi... Điều đó, ngay trong cuộc sống hiện đại ngày nay, không phải ai cũng làm được.
"Mỗi quyết định, lựa chọn đều không có đúng sai nên không cần phải tranh cãi. Nhưng tôi ủng hộ vì ít nhất, cô ấy tự tin mình có thể nuôi dạy con, tự chủ về tài chính và đặc biệt là tự chủ về tâm lý để lựa chọn và đối mặt, nhất là với định kiến "không chồng mà chửa".
"Quyết định của cô ấy thể hiện thông điệp, không phải vì là phụ nữ đã không "giữ mình", quan hệ trước, có bầu trước hôn nhân mà phải "hạ mình", phải thế này thế kia, phải phụ thuộc vào người khác, để mặc người khác sắp đặt, đối xử. Thông điệp bình quyền, phụ nữ luôn có quyền lựa chọn là ở đây. Cô gái biết mình muốn gì, cần gì và chủ động thực hiện điều đó, không than khóc hay chờ đợi ai giúp đỡ", chị Trần Thảo Nguyên, một người hoạt động trong lĩnh vực tâm lý xã hội bày tỏ.
Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân, chị Thảo Nguyên cho rằng, mỗi quyết định đều phải... trả giá. Một đứa trẻ sinh ra thiếu bố hoặc mẹ, dù thế nào vẫn sẽ chịu thiệt thòi, chịu những ảnh hưởng nhất định.
Từ câu chuyện trên, chuyên viên tâm lý này nhắn nhủ các bạn gái, khi bước vào mối quan hệ tình cảm, hãy tìm hiểu thật kỹ không chỉ với người sẽ là chồng mình mà cần tìm hiểu... cả gia đình chồng.
Hoài Nam