Trong "Luận ngữ" có một câu chuyện thế này: Tử Cống đang quét tước trước cửa thì có một người khách đến. Vị khách tới thăm hỏi ông rằng một năm có mấy mùa?
Tử Cống đáp xuân, hạ, thu, đông. Người khách nghe xong liền bảo không đúng, nói rằng rõ ràng chỉ có 3 mùa mà thôi. Hai người vì việc này mà tranh cãi. Nghe kể về cuộc tranh luận, Khổng Tử chạy ra quan sát và nói: "Quả thật một năm chỉ có 3 mùa."
Người kia nghe xong liền vui vẻ bỏ đi.
Sau đó, Tử Cống mới hỏi Khổng Tử, rõ ràng một năm có đến 4 mùa, sao thầy lại đáp là 3 mùa? Khổng Tử đáp: "Đối với châu chấu, nó thường sinh vào mùa xuân và chết vào mùa thu. Thế nên nó chưa từng thấy mùa đông. Làm sao biết được có 4 mùa?"
Tương tự, đối với những người cố chấp chỉ nghe theo quan điểm của mình, có giảng đạo lý với họ cũng bằng thừa, đây là trí tuệ của người xưa!
Suy cho cùng, kẻ ngu ngốc nhất trên đời này là những kẻ thích giảng đạo lý.
Nếu bạn giảng đúng người, thì như việc người tu giáo hóa đúng người, nhưng nếu bạn giảng sai người, chỉ như đàn gãy tai trâu. Do đó, thà cãi nhau với người hiểu chuyện, chứ đừng hồ đồ nói chuyện với những người không phân rõ thị phi.
Có 3 loại người, bạn không cần lúc nào cũng cố chấp "giảng đạo lý":
1. Đối với người nhà: Không cần giảng đạo lý
Người xưa có câu: "Đèn không bật không sáng, người không giữ lý tính sẽ không thể sáng suốt." Ở đời, không ai có thể thoát khỏi hai từ "lý trí". Nhưng điều cấm kỵ lớn nhất chính là giảng đạo lý với người thân trong nhà.
Một người dẫn chương trình từng chia sẻ về câu chuyện mẹ của mình: Mẹ của anh ấy đã 76 tuổi, và một trong những việc bà ấy thích làm nhất là tắt đèn. Chỉ cần nhà không có ai, bà liền tắt đèn tối thui càng sớm càng tốt.
Lúc đầu, anh ấy không hiểu lắm về thói quen này của mẹ mình. Anh nói với mẹ rằng dù để đèn sáng cũng không tốn nhiều tiền điện. Việc bật tắt thường xuyên còn dễ ảnh hưởng đến tuổi thọ của đèn.
Mẹ anh ấy lần nào cũng hứa hẹn, nhưng sau đó vẫn nhịn không được mà tắt tiếp.
Người dẫn chương trình kia nhìn thấy riết cũng quen, anh ấy không hề trách mẹ mình, còn hiểu được rằng: "Người già thích tiết kiệm, đó đã trở thành thói quen. Dù bạn có nói bao nhiêu lý lẽ, có thể cũng khó thay đổi họ. Vậy cần gì cứ bận tâm mãi về một vấn đề tầm thường như vậy?"
Trên đời này làm gì có hai chiếc lá giống hệt nhau, huống hồ là hai người?
Trên thực tế, bất luận bạn với người thân hiện tại đang hòa thuận hay không hòa hợp đi nữa, đừng nên cố chấp giảng đạo lý với họ quá nhiều.
Khi bạn thắng được trong cuộc tranh luận, bạn đã thua trong tình cảm, cần gì phải cố chấp đến vậy?
2. Đối với bạn bè: Không cần giảng đạo lý
Có người hỏi rằng: "Ở cạnh một người tính tình thoải mái sẽ có cảm giác thế nào?"
Tôi nghĩ có lẽ chính là "tiết kiệm" được cảm xúc tiêu cực của mình. Bạn được thấu hiểu, được quan tâm, nên sẽ không rơi vào cảm xúc khó chịu.
Tuy nhiên, muốn tìm được người phù hợp với mình thực sự rất khó.
Bởi vì đa phần xung quanh có rất nhiều người tự cho mình là "giáo sư", thích thể hiện sự vượt trội của mình thông qua việc tranh luận. Nhưng việc làm này lại không được nhiều người thích.
Tôi từng gặp qua một người, tên bí danh mà người khác đặt cho anh ta là "Vô duyên", bởi vì anh ta hay nói những lời không hợp hoàn cảnh.
Thấy người ta mới ly hôn, lời mở đầu của anh ta sẽ là: "Tôi sẽ nói cho bạn biết những nguyên tắc để vợ chồng hòa hợp..."
Khi người khác làm sai, anh ta liệt kê 1, 2, 3, 4... rồi đếm những thiếu sót của người khác.
Nhiều người bảo nói chuyện phiếm với anh ta thật mệt mỏi, mới nói 2, 3 câu đã giảng đạo lý.
Khi bạn bè gặp nhau, đa số đều thích dùng một bầu không khí thoải mái cười đùa, kể về trải nghiệm, hay khoe khoang chút ít về thành quả của mình.
Nếu có người luôn giảng đạo lý mọi lúc, quả thật là phá hỏng không khí.
Trên đời này hiếm có ai sống tốt chỉ dựa vào đạo lý suông, mỗi người đều phải tự trải qua khoảng thời gian mờ mịt của riêng mình.
Thế nên, thay vì dùng lời nói thuyết phục người khác, tốt hơn hết hãy hành động để đánh động cảm xúc.
Chúng ta có thể dùng tinh thần tích cực ảnh hưởng người khác, nhưng đừng ngốc đến nỗi nghĩ rằng bản thân có đủ khả năng thay đổi họ hoàn toàn.
Khiến người khác cảm thấy thoải mái khi ở gần bạn cũng là một loại năng lực được đánh giá cao.
3. Ở nơi làm việc: Không cần giảng đạo lý
Rousseau từng nói: "Ba phương pháp giáo dục vô dụng nhất trên thế giới là giảng đạo lý, nổi nóng và cố ý cảm động."
Câu này rất hữu dụng ở nơi làm việc. Giảng đạo lý ở nơi làm việc là không sai, nhưng luôn giảng đạo lý thì thực sự đúng là người có EQ thấp.
Một người bạn làm quản lý đã nói với tôi về điều này: Trong công ty anh ta có hai nhân viên, cả hai đều xuất thân là dân thiết kế. Họ đều có yêu cầu khắt khe cao về tính thẩm mỹ. Hết không hài lòng về thiết kế poster, đến cầu kỳ về màu sắc, có khi còn chê sản phẩm thiếu cá tính riêng biệt.
Đối với nhân viên A, dù A đã cố gắng đưa ra rất nhiều lý lẽ để thuyết phục sếp. Nhưng cuối cùng không chỉ không giải quyết được, còn khiến sếp không vui, tự gây phiền phức cho chính mình.
Nhân viên B thì ngược lại, luôn ghi lại ý kiến của sếp mọi lúc, sau đó đưa ra biểu đồ so sánh hai bên khi có sự thay đổi. Thế nên, ý kiến ban đầu của anh ấy được giữ lại, và những đề xuất sửa đổi cũng được thông qua.
Sau này, nhân viên B đã trở thành giám đốc sản phẩm, nhiều khách hàng muốn hợp tác đều chỉ đích danh tên anh ta.
Người ta thường nói nơi làm việc giống như một chiến trường, mà quy tắc của chiến trường, đầu tiên luôn là giải quyết vấn đề trước, sau mới là giảng đạo lý.
Nơi làm việc về bản chất là nơi trao đổi lợi ích.
Dù là sếp hay đối tác, họ sẽ chỉ tin tưởng khi bạn cung cấp cho họ đủ lợi ích để họ tin cậy.
Nếu bạn có năng lực, đừng vội giảng đạo lý nhiều lần, hãy nói chuyện bằng hành động thực tế. Xã hội này có rất nhiều nguyên tắc, khi bạn không thể thay đổi được người khác, vậy hãy thay đổi chính mình.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị