Định giá Vương quốc bằng chén gạo, ông Vua tham lam bị kẻ bán ngựa dạy cho bài học

14/09/2019 08:30
Định giá Vương quốc bằng chén gạo, ông Vua tham lam bị kẻ bán ngựa dạy cho bài học

Vì muốn kiếm lợi nhuận, Nhà Vua đã cho 1 kẻ tham lam, ngu ngốc lên làm quan Tể tướng để định giá các vụ mua bán. Nhưng cuối cùng, Nhà Vua đã nhận được 1 bài học nhớ đời.

Đức Vua tham lam

Ngày xửa ngày xưa, có một vị Vua cai trị vùng Benares, miền bắc của Ấn Độ. Ngài có một vị Tể tướng rất tài năng với bản tính vô cùng trung thực.

Công việc hàng ngày của vị Tể tướng là định giá hợp lý cho bất cứ món đồ gì Nhà Vua muốn mua hoặc bán. Tuy nhiên, do tính cách quá thật thà, vị Tể tướng thường đưa là những đánh giá rất chính xác về những hàng hóa.

Điều này khiến cho Nhà Vua không hài lòng vì Ngài phải trả nhiều tiền hơn khi mua những món hàng, cũng như sẽ không thu được lợi nhuận lớn khi bán đi những món đồ của mình.

Vì vậy, Nhà Vua quyết định sẽ thay đổi vị trí của quan Tể tướng bằng một người khác. Một ngày nọ, Nhà Vua nhìn thấy một chàng trai trẻ, nhanh nhẹn và ông nghĩ: "Anh bạn này sẽ là sự lựa chọn tốt cho vị trí định giá mà ta đang cần."

Vì vậy, Nhà Vua đã quyết định bãi chức quan Tể tướng và bổ nhiệm chàng trai trẻ làm người mới thay thế quan Tể tướng.

 Định giá Vương quốc bằng chén gạo, ông Vua tham lam bị kẻ bán ngựa dạy cho bài học nhớ đời - Ảnh 1.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Để làm vui lòng Nhà Vua, vị quan Tể tướng mới đã nghĩ rằng: "Ta phải làm cho Nhà Vua hài lòng bằng cách thay đổi giá trị hàng hóa. Nhà Vua sẽ mua được những món đồ với giá rất thấp và bán lại với giá rất cao."

Thực hiện ý định của mình, chàng trai mới được bổ nhiệm đã làm cho giá cả của các hàng hóa không còn đúng với những giá trị thực tế của nó. Điều này đã giúp vị Vua tham lam thu được rất nhiều tiền, khiến ông ta rất hạnh phúc.

Ngược lại, tất cả thương nhân và người dân thường khác trong Vương quốc đều rất bức xúc vì những món hàng đã không được định giá đúng giá trị công sức mà họ đã bỏ ra. Nhưng không ai dám lên tiếng.

Mọi thứ giá trị được định đoạt bằng 1 chén gạo

Rồi một ngày nọ, một người buôn ngựa đến vùng Benares với 500 con ngựa để bán. Ông có rất nhiều loại ngựa phong phú với nhiều chủng loại khác nhau.

Nhà Vua đã mời thương gia đến Cung điện của mình và bảo quan Tể tướng mới định giá cho tất cả 500 con ngựa.

Muốn làm hài lòng nhà vua, nên chàng trai trẻ đã nói: "Toàn bộ đàn ngựa này sẽ đáng giá một chén gạo".

Vì vậy, Nhà Vua đã ra lệnh trả một chén gạo cho người bán ngựa và tất cả những con ngựa đã được đưa đến chuồng ngựa hoàng gia.

 Định giá Vương quốc bằng chén gạo, ông Vua tham lam bị kẻ bán ngựa dạy cho bài học nhớ đời - Ảnh 2.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Tất nhiên là người thương gia rất buồn, nhưng ông không thể làm gì vào lúc này vì người định giá của Nhà Vua đã ra quyết định như vậy.

Sau đó, ông nghe mọi người kể về người định giá trước đây, người nổi tiếng là rất công bằng và trung thực. Thương gia nhanh chóng liền tìm gặp và kể với ông về những gì đã xảy ra.

Thương gia mong muốn nghe ý kiến ​​của người làm giá trung thực, để có được một mức giá phù hợp cho đàn ngựa của mình.

Người định giá trước đây trầm ngâm nói: "Nếu ông làm theo cách như tôi nói, Nhà Vua sẽ bị thuyết phục về giá trị thực sự của những con ngựa.

Ông hãy quay trở lại gặp kẻ định giá kia. Đưa cho hắn ta một món quà có giá trị và yêu cầu hắn nói về giá trị của một cốc gạo, trước sự hiện diện của Nhà Vua và những quần thần. Nếu hắn đồng ý, hãy đến và nói với ta. Ta sẽ cùng đi với ông đến gặp Nhà Vua."

Theo lời khuyên này, thương gia đã đến gặp kẻ định giá và tặng hắn ta một món quà rất giá trị. Món quà đã khiến hắn vô cùng hạnh phúc.

Sau đó, thương gia nói với hắn: "Tôi rất hài lòng với định giá trước của anh về đàn ngựa của tôi. Anh có thể thuyết phục Nhà Vua về giá trị của một chén gạo rất lớn không, thậm chí còn lớn hơn 500 con ngựa của tôi?"

Tên Tể tướng ngu ngốc tự tin nói:"Tại sao không? Tôi sẽ giải thích giá trị của một chén gạo, ngay cả khi có mặt Nhà Vua và các quan thần trong triều. "

Thương gia liền báo lại cho vị quan trung thực đã bị cách chức và họ đã cùng nhau đi gặp Nhà Vua.

Và cái kết dành cho Nhà Vua tham lam...

Trước Nhà Vua và tất cả các bá quan văn võ trong cung điện, người bán ngựa đã nói rằng: "Thưa Nhà Vua kính mến! Tôi biết rằng ở đất nước này của Ngài, cả đàn 500 con ngựa của tôi chỉ đáng giá một chén gạo.

Trước khi tôi rời khỏi vương quốc này, tôi muốn biết giá trị thực sự của một chén gạo ở quốc gia Ngài là bao nhiêu?"

Nhận được câu hỏi của thương nhân, Nhà Vua quay sang vị Tể tướng định giá và hỏi: "Hãy nói cho hắn biết giá trị của một chén gạo là bao nhiêu?"

Tên Tể tướng ngu ngốc khá bối rối. Vì trước đây để làm hài lòng Nhà Vua, hắn đã định giá đàn ngựa bằng một chén gạo. Còn bây giờ, sau khi nhận hối lộ từ người bán ngựa, hắn cũng muốn làm hài lòng ông ta.

"Há miệng mắc quai" không biết tính sao nên hắn nói bừa: "Kính thưa Đức Vua, một chén gạo có giá trị bằng Vương quốc Benares, bao gồm cả cung điện của Đức Vua, cũng như tất cả các vùng ngoại ô của thành phố. Nói cách khác, chén gạo xứng đáng với cả Vương quốc Benares!"

Khi nghe những điều này, các quan thần đều cười ầm lên trước câu trả lời ngu ngốc của viên Tể tướng. Họ nói: "Trước đây chúng tôi chỉ nghe rằng Vương quốc là vô giá. Giờ chúng tôi mới biết tất cả Benares, với cung điện của Đức Vua, chỉ đáng giá một chén gạo! Điều này thật nực cười.

Đức Vua đã tìm được tên định giá ngu ngốc nào ở đâu ra vậy? Hắn ta chỉ giỏi làm hài lòng Đức Vua, chứ không phải người thích hợp để định giá cho những hàng hóa trong Vương quốc."

 Định giá Vương quốc bằng chén gạo, ông Vua tham lam bị kẻ bán ngựa dạy cho bài học nhớ đời - Ảnh 3.

Hình minh họa - Nguồn: Internet

Nghe tiếng cười của những quan thần trong triều, Nhà Vua vô cùng mất mặt và xấu hổ. Ngài đã nổi giận và đuổi tên định giá ngu ngốc kia ra ngoài và trả lại chức tước cho người định giá trung thực trước đây.

Vị quan định giá này sau đó cũng cũng không quên đưa ra một mức giá hợp lý mới cho đàn ngựa của vị thương gia. Còn Nhà Vua đã nhận được một bài học về sự trung thực và lòng tham lam.

Lời bàn:

Có một số người hay vì lòng tham mà không biết thỏa mãn với những gì mình đang có, đem những thứ vốn đang thuộc về mình mà quăng đi, để đến lúc nhìn lại lại thấy hối tiếc không nguôi.

Phật dạy, ba nỗi khổ cũng là ba nguyên nhân dẫn tới khổ đau của con người là tham, sân, si. Trong đó, lòng tham đứng hàng đầu. Vì lòng tham nên con người mới trở nên sân hận, vì tham nên mới si mê, u tối.

Tuy nhiên, tham lam không phải bản tính vốn có của con người mà nó lớn dần lên theo năm tháng. Con người càng có nhiều càng tham nhiều, càng mong nhiều lại càng tham.

 Định giá Vương quốc bằng chén gạo, ông Vua tham lam bị kẻ bán ngựa dạy cho bài học nhớ đời - Ảnh 4.

Con người chúng ta ai ai cũng có sẵn lòng tham trong người. Lòng tham ấy ví như người nuôi rắn độc. Không cẩn thận từng phút sẽ bị rắn độc quay đầu lại cắn. Vì thế, nếu như quá tham lam, không biết giới hạn và điểm dừng, thì chúng ta có thể trở nên mù quáng.

Bởi vậy “không tham lam” chính là báu vật vô giá. Ai có thể khắc chế được lòng tham, loại bỏ được lòng tham thì chẳng khác gì đang sở hữu một viên ngọc quý giá nhất trong cuộc đời.

Trí thức trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025