Sau khi trạng thái bình thường mới được ban hành, ngay lập tức Phụng Hoàng Ban của bà bầu Trác Thúy Miêu tái xuất khán giả qua chủ đề Đừng giết hoa hồng. Tuy nhiên, vì sân khấu chưa được phép mở cửa nên chỉ trình diễn online.
Theo đó, nghệ sĩ sẽ diễn qua phần mềm zoom, khán giả mua vé sẽ được cung cấp một mật khẩu để vào xem. Nghệ sĩ sẽ diễn tại nhà, khán giả ngồi nhà xem, và nhịp cầu nối họ với nhau là màn hình máy tính, Ipad, hoặc điện thoại.
Xét trong tình hình giãn cách xã hội, hình thức trình diễn này được xem là một sự linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh. Nghệ sĩ được thỏa đam mê diễn, còn khán giả được đáp ứng nhu cầu giải trí. Dẫu vậy, vẫn có nhiều người trong nghề băn khoăn và không sẵn sàng với hình thức trình diễn này. Họ chấp nhận chờ đợi đến khi sân khấu được chính thức mở cửa.
Cũng vì tình yêu kịch nghệ
Cũng như các sân khấu khác, Phụng Hoàng Ban đóng cửa suốt thời gian giãn cách xã hội. Bà bầu Trác Thiêu Miêu là một người dám hy sinh tất cả và tự nguyện dâng hiến tình yêu cho thoại kịch. Chị chấp nhận lỗ ròng rã từ ngày khai trương cho đến giờ mà niềm thôi thúc được kể chuyện bằng hình thức thoại kịch vẫn luôn cháy bổng trong tim. Chị được cho là người viết giỏi, nhiều ý tưởng nên khi kịch bản tuôn chảy trong đầu, không được chuyển tải ra sàn diễn sẽ là một sự bức bối. Vậy là sau nhiều tháng ngày chờ đợi, Trác Thúy Miêu và bạn diễn, tái ngộ khán giả vào tối ngày 20.11.2021. Tuy nhiên, vì sân khấu chưa được mở cửa nên Phụng Hoàng Ban phần thứ 6 chỉ diễn ra trên online. Theo đó, khán giả sẽ mua vé sẽ được trao một mật mã trên phần mềm zoom để được vào xem.
Trước đây, hồi đợt dịch trước diễn ra, nhóm kịch Đời của diễn viên Hồng Trang đã áp dụng hình thức này. Điểm khác là họ diễn qua Bigolive chứ không phải phần mềm zoom. Theo đó, một vở diễn sẽ gồm từ 3 - 5 diễn viên. Mỗi diễn viên ở nhà và ngồi diễn. Họ chỉ tương tác với nhau qua màn hình. Tất cả những động tác hôn, tát tay, đều theo phong cách ước lệ. Khán giả vào xem không mất tiền nhưng ai thích thì có thể gửi tặng quà. Quà này có thể đổi ra tiền mặt. Cho đến hiện tại, kịch Đời vẫn tiếp tục diễn kịch online hằng tuần. Thời gian diễn của họ bắt đầu từ 22 giờ và kết thúc lúc 23 giờ. Lý do vì đây là khoảng thời gian đường truyền mạnh, không bị rớt mạng, và khán giả xem đông hơn khung giờ khác.
Thông thường, mỗi suất diễn chỉ có khoảng 20 - 30 khán giả vào xem. Nói về điều này, diễn viên kiêm ca sĩ Tiết Duy Hòa bộc bạch: “Chúng tôi thèm được diễn nên dù diễn với hình thức online bị hạn chế nhiều thứ, nhưng vẫn thấy vui. Khán giả tuy không đông nhưng đó chính là những người thực sự yêu kịch. Tình cảm của họ khiến chúng tôi có thêm động lực để đi với nghề qua mọi khó khăn, mọi hoàn cảnh”.
Vẫn còn nhiều băn khoăn
Hiện tại, có khoảng gần 20 sân khấu và các nhóm kịch đang hoạt động tại Sài Gòn. Thế nhưng, cho đến giờ hình thức diễn kịch online vẫn chưa được phổ biến rộng. Thậm chí vừa qua, liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 2021 diễn ra, vì phía Nam bị dịch bệnh hoành hành, ban tổ chức gợi ý diễn qua hình thức trực tuyến online nhưng các ông bà bầu sân khấu không đồng tình. Điều này cho thấy nhiều đơn vị không sẵn sàng cho loại hình trực tuyến này.
Ông bầu Trần Đại của sân khấu Thế Giới Trẻ chia sẻ: “Nếu là tấu hài, chỉ cần quăng bắt giữa các diễn viên, tôi nghĩ diễn online chấp nhận được. Nhưng nếu là một vở kịch tâm lý muốn tác động vào xúc cảm của khán giả cần các yếu tố gồm tài năng diễn xuất, phục trang, âm thanh, ánh sáng, cảnh trí. Khán giả phải ngồi trong khán phòng, trực tiếp nhìn thấy và cảm nhận thì họ mới thấy được cái hay của một vở kịch. Diễn online, nghĩa là khán giả xem qua màn hình, và tất cả các hiệu ứng cần thiết không được hỗ trợ, diễn viên có tài giỏi mấy cũng không chạm vào trái tim người xem”.
Bà bầu Ái Như không đưa ra ý kiến bình luận về hình thức diễn kịch online, tuy nhiên, chị kết luận rằng, phong cách dàn dựng kịch Hoàng Thái Thanh không phù hợp với hình thức này nên không dám mạo hiểm. Các ông bà bầu khác cho rằng bây giờ muốn xem online, công chúng có rất nhiều hình thức chọn lựa. Webdrama làm công phu và đẹp mắt nên thu hút đông đảo người xem. Kịch online không thể làm tốt như thế, nếu trình diễn, khán giả sẽ so sánh và sẽ có đánh giá bất lợi về phía kịch. Thà là không làm để khán giả vẫn trọn vẹn cảm xúc với vẻ đẹp được đầu tư đúng mức trên sân khấu.
Rõ ràng ở đây sẽ không có chuyện đúng và sai, tốt và xấu. Mỗi nghệ sĩ đều có quyền tự do sáng tạo và tìm ra sân chơi để tiếp cận khán giả. Thử nghiệm nào cũng sẽ gặp nhiều khó khăn vào thời điểm đầu. Nếu vượt qua được và trở thành món ăn hấp dẫn, mọi người sẽ ủng hộ, và ngược lại, tự khắc sẽ bị đào thải.
Sân khấu kịch nhiều năm qua đã quá khó khăn nhưng nghệ sĩ vẫn ráng “vùng vẫy”. Cuối cùng, điều đọng lại vẫn là tình yêu dành cho kịch nghệ và khán giả của những nghệ sĩ dám dấn thân vào một sân chơi không có tiền và chẳng được danh.