Hàng chục ngàn comment và like. Nhân vật chính còn được tuyên dương trước trường và nhận bằng khen vì hành động. Đa phần hết lời khen ngợi. Cũng có người bảo “Đó là chuyện nhỏ”, “Đừng làm quá”. Câu chuyên trở thành đề tài bàn luận của nhiều nhóm người lớn. Hình như trẻ con không quan tâm tới những việc đó?
Không ít bạn bè và sinh viên điện thoại hỏi tôi về việc đó. Tôi bảo vui buồn lẫn lộn, buồn có vẻ nhiều hơn. Vui vì xã hội rất quan tâm đến những hành vi ứng xử văn minh nơi công cộng. Đó là hiệu ứng tích cực, thể hiện sự đồng tình và mong muốn cuộc sống tinh thần ngày mỗi tốt đẹp hơn. Xã hội vẫn chưa xuống đáy, chai lì cảm xúc.
Buồn vì chuyện bình thường bỗng thành phi thường. Cậu bé hành xử theo thói quen và nếp nhà, rất hồn nhiên và không hề nghĩ tới việc thành “người nổi tiếng” một cách bất đắc dĩ. Cách chào vòng tay cúi đầu là cách chào đặc trưng, biểu tượng cho một phần văn hóa thuần Việt mà cha ông để lại.
Trẻ em các nước không làm như cậu bé Cần Thơ vì lo tập trung qua đường. Việc nhường đường cho người đi bộ, nhất là trẻ em theo vạch kẻ, đèn tín hiệu là hành vi bắt buộc, là văn hóa giao thông tối thiểu của các nước, kể cả những nước còn nghèo như Campuchia, Lào. Cậu bé Cần Thơ làm vậy có lẽ vì rất nhiều lần, phải vất vả, dáo dác khi qua đường bởi những tài xế cứ vô tư xem như không có người đi bộ.
Hành vi cám ơn tương tự, chưa đại trà nhưng cũng không phải là cá biệt. Tôi gặp nhiều tài xế khi được nhường đường, giúp đỡ thông tin hoặc gây phiên hà cho người khác thường đưa tay thay lời xin lỗi hoặc cám ơn. Việc rất nhỏ nhưng không phải ai cũng nhớ và làm được. Biết xin lỗi và cám ơn, sẽ khó có chuyện gây sự, ẩu đả khi không may gặp sự cố.
Sau thùng một số xe buýt thường có dòng chữ “Xin lỗi vì đã làm phiền khi ra vào trạm”. Xe cấp cứu thì “Cám ơn vì đã nhường đường”. Một số công trình sửa chữa đường, cống cũng biết “Xin lỗi vì đã làm phiền”…Chuyện rất nhỏ nhưng làm ấm lòng, giảm bớt khó chịu cho những người tham gia giao thông bị ảnh hưởng. Rất tiếc, những việc nhỏ, rất dễ này chưa được làm đồng bộ, nơi có nơi không; chưa thấy cơ quan chủ quản nhắc nhở.
Mỗi đất nước, quốc gia nào cũng có cách chào riêng, thể hiện văn hóa giao tiếp đặc thù. Không có mới cần vay mượn. Cách chào vòng tay này rất thuần Việt, ý nghĩa và "không đụng hàng". Vòng tay thể hiện sự đùm bọc, đoàn kết. Cúi đầu thể hiện sự tôn kính với người lớn và tôn trọng với người nhỏ tuổi hơn. Khi gặp nhau, ai cũng có thể chủ động chào nhưng thường những người nhỏ tuổi, nhỏ cấp hơn sẽ chào trước. Chào thường đi chung với hỏi.
Một đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa như Việt Nam không thể chào nhau lai căng, vay mượn, thập cẩm. Cách chào Việt đã có từ xưa. Phải cần phục hồi những giá trị văn hóa cốt lõi thuần Việt, đặc biệt là trong thời hại hội nhập và 4.0.