Sinh ra với gương mặt đầy lông lá, bị chế giễu "xấu nhất thế giới"
Julia Pastrana (1834 - 1860) sinh ra ở Mexico. Bà bị chẩn đoán mắc hai hội chứng bệnh hiếm gặp khiến mặt hốc hác, bị bao phủ lớp lông dày, xương hàm nhô ra không khác gì... khỉ đột.
Chính bởi vậy, khi còn nhỏ, Pastrana bị hàng xóm và bạn bè chê cười, xua đuổi. Do vẻ ngoài khác thường nên họ còn đặt cho cô rất nhiều biệt danh để mỉa mai. Những năm tháng thời thơ ấu của Pastrana không được ghi lại nhiều.
Tất cả chỉ lưu truyền bằng một số câu chuyện mơ hồ. Sau cùng, cô bé được gửi tới một trại trẻ mồ côi và sống ở đó tới năm 20 tuổi.
Người phụ nữ "kỳ dị" có tài năng thiên bẩm
Người phụ nữ Mexico này chính thức được mọi người biết tới vào năm 1854 khi tham gia buổi biểu diễn đường phố ở Gothic Hall. Thời điểm đó, người ta thường thích xem những nhân vật kỳ lạ. Bởi vậy, vẻ ngoài khác thường của Pastrana đã lọt vào "mắt xanh" của một ông bầu.
Bất chấp những lời chế giễu, Pastrana vẫn giữ được bình tĩnh và cất lên giọng hát. Trái ngược với diện mạo, bà lại sở hữu chất giọng cực đẹp và hớp hồn mọi người. Kể từ đó, bà trở thành ngôi sao mới nổi, được săn đón khắp nơi.
Trong những chuyến lưu diễn, bà thường mặc trên mình bộ váy đỏ và hát nhiều bài ca dân gian Tây Ban Nha. Dù vậy, trên các tấm áp phích quảng cáo, người ta vẫn gọi bà bằng cái tên miệt thị như "phụ nữ gấu" để hút khách. Lạ lùng thay, những buổi trình diễn như vậy đều bán gần như sạch vé.
Sau đó, bà chuyển tới Cleveland cùng ông bầu mới. Lúc này, danh tiếng của bà được biết tới nhiều hơn. Cũng theo đó là hàng loạt chuyến lưu diễn vòng quanh Canada, Mỹ.
Tiếng tăm của Pastrana còn lan truyền tới nước Anh. Bà được nhiều tờ báo lớn đưa tin, dù bị đặt cạnh danh xưng "người phụ nữ xấu xí nhất thế giới". Bởi vậy, bà quyết định tới "xứ sở sương mù" để chứng minh với dư luận về tài năng thiên bẩm của mình.
Trong những chuyến công diễn tại Anh, không chỉ phô diễn giọng hát đẹp, người phụ nữ gốc Mexico này còn thể hiện khả năng ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Tây Ban Nha, Đức... Nhờ điều này, bà kiếm được số tiền không nhỏ.
Đến tấn bi kịch từ cuộc hôn nhân với người chồng vô nhân tính
Suốt thời gian hoạt động nghệ thuật, theo sát Pastrana là ông bầu Theodore Lent. Sau các chuyến lưu diễn tại Anh, bà tới thủ đô Berlin, Đức. Khi đó, công chúng phải công nhận tài năng của người phụ nữ này, dù bà không có vẻ ngoài hoàn hảo. Thậm chí, nhiều người đàn ông vì nể phục tài năng đã đứng ra cầu hôn. Điều này làm ông bầu Theodore thấy lo lắng. Sợ "kho báu" kiếm tiền của mình sớm rơi vào tay kẻ khác, nên người đàn ông này tìm mọi cách lấy Pastrana.
Năm 1857, ông bầu Theodore cầu hôn Pastrana và nhận được lời đồng ý. Họ cưới nhau giữa những lời chúc phúc và cả sự gièm pha giễu cợt của người đời.
Những tưởng cuộc đời Pastrana bước sang trang mới, nhưng đây cũng là lúc đánh dấu chuỗi ngày cay đắng tủi nhục. Bà bị coi như món hàng, bị vắt kiệt sức lực bằng vô số các buổi biểu diễn. Thậm chí, bà còn bị chồng mình quảng cáo trên áp phích quảng cáo là con lai giữa vượn với khỉ nhằm thu hút sự chú ý từ công chúng.
Thậm chí tới lúc mang thai con đầu lòng, Pastrana vẫn tiếp tục bị chồng ép đi biểu diễn. Đến tháng 3/1860, trong một ca sinh nở khó khăn, bà sinh con trai đầu lòng. Cậu bé cũng mang trên người đầy lông lá như mẹ và chỉ sống được 3 ngày. Vài ngày sau cái chết của con, bà cũng từ giã cõi đời vì quá yếu.
Xác chết bất hạnh
Thay vì đau buồn trước sự ra đi của vợ con, gã chồng vô lương tâm lại tiếp tục dùng thân xác người đã khuất để kiếm lời.
Ban đầu, Theodore bán thi thể vợ cùng con trai cho một vị giáo sư thuộc trường đại học Moscow, Nga. Người này đã mổ tử thi, ướp xác hai mẹ con và trưng bày tại bảo tàng nhà trường. Điều này thu hút rất đông khách tới tham quan.
Khi biết tin xác ướp của Pastrana và con trai nhận được sự quan tâm từ công chúng, Theodore vờ tỏ ra tiếc thương và nói rằng đã bị lừa, đồng thời mong muốn đưa xác người thân về an táng. Nhận được sự ủng hộ, ông ta đã mang được hai thi hài về Anh nhưng rồi lại đem ra trưng bày tại các buổi triển lãm. Những người hiếu kỳ muốn tận mắt chứng kiến phải bỏ tiền ra để xem. Sau nhiều lần chuyển qua chuyển lại, thi thể người con thậm chí không còn nguyên vẹn.
Tới năm 1900, thi thể bà được Học viện pháp lý y khoa Na Uy mua lại và mang ra trưng bày với mục đích như lời nhắc nhở thế hệ sau về lòng trắc ẩn và ý thức đạo đức.
Tới năm 2013, dưới sự hỗ trợ của chính quyền Na Uy, thi thể của bà và con trai được mai táng theo nghi thức trang trọng. Rất đông người tới tham dự buổi lễ đặc biệt này nhằm thể hiện sự kính trọng cũng như gửi lời xin lỗi tới người phụ nữ bất hạnh này.
Huy Hoàng
Tổng hợp