Càn Long là Hoàng đế thứ sáu của nhà Thanh. Trong thời gian trị vì của mình, ông chỉ dùng niên hiệu Càn Long nên còn gọi là Càn Long Đế.
Ông cũng là vị Hoàng đế có tuổi thọ lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc, thời kỳ trị vì của Càn Long Hoàng đế kéo dài gần 60 năm, từ 11 tháng 10 năm 1736 đến 1 tháng 9 năm 1795. Đây cũng là giai đoạn cực thịnh về kinh tế cũng như quân sự của Thanh triều.
Thời Càn Long trị vì, mưa thuận gió hòa, quốc khố dồi dào, cho nên ông có đủ thời gian và tiền bạc để hưởng thụ cuộc sống.
Ông từng nhiều lần du hí Giang Nam, có đôi khi còn cùng dân chúng trò chuyện, song phần lớn những lần xuất cung đều không tiết lộ danh tính, mặc thường phục vi hành nên người khác không thể biết được thân phận của ông.
Theo các tài liệu dã sử, thời Càn Long từng xảy ra một câu chuyện khá thú vị trên đường đi vi hành, nhưng qua đó cũng cho thấy sự bất công trong xã hội phong kiến, đúng là vua thì thích làm gì cũng được, kể cả là suy nghĩ đoạt mạng người.
Chuyện là có một lần, Càn Long đi đường thấy khát, cho tùy tùng đi mua dưa hấu về để giải khát, nhưng tùy tùng lại trở về tay không, nói rằng người trồng dưa không chịu bán dưa cho mình.
Thời nhà Thanh, dưa hấu được xem là loại quả quý hiếm, dưa trồng ra đều đã có người đặt trước, cho nên Càn Long bèn đích thân đến tận ruộng dưa để mua dưa.
Khi vua đến nơi thì thấy người trồng dưa đang ngủ, tùy tùng theo hầu muốn đi gọi người trồng dưa dậy, nhưng Càn Long không cho, vì thế họ cùng ngồi đợi rất lâu, đợi khi người trồng dưa dậy mới mua.
Ảnh minh họa.
Kết quả là, người trồng dưa tỉnh dậy thấy có người đang chờ mình từ khi nào, cảm kích đối phương phải chờ đợi vất vả nên ông hái dưa tặng cho họ cùng ăn.
Càn Long cuối cùng cũng được ăn dưa, cảm thấy vô cùng vui sướng. Lúc này ông không quan tâm đến hình tượng bản thân mà ngồi bên vệ đường ăn dưa.
Người trồng dưa thấy Càn Long ăn dưa từ giữa ra bèn bảo: "Ông ăn dưa thế thì không ngọt đâu".
Càn Long thấy lạ, người trồng dưa liền giải thích: "Dưa hấu ngọt ở giữa, nhưng nếu ông ăn từ giữa ra thì ăn dần sẽ không thấy ngọt nữa, còn nếu ăn từ hai bên trước đến sau cùng ăn vào giữa, càng ăn sẽ càng ngọt".
Người trồng dưa lại nói tiếp: "Người bình thường đều chọn ăn hai bên trước, bởi vì cuộc sống họ đói khổ, muốn giành những thứ ngọt ngào lại sau cùng, cuộc sống cũng như thế, có đắng nhưng rồi cũng sẽ có lúc ngọt."
Càn Long thấy người trồng dưa nói chuyện hiểu biết, những lời nói ra đều là đạo lý uyên thâm nên cùng ông ta trò chuyện, sau lại nhận ra người này có tài hoa uyên bác, bèn hỏi người trồng dưa có muốn ra làm quan hay không, nhưng người trồng dưa lại bày tỏ ý không thích.
Ảnh minh họa.
Sau khi ăn xong, Càn Long tạm biệt người trồng dưa rồi rời đi. Thế nhưng đi chưa được bao xa, ông liền hạ lệnh cho người quay lại giết người trồng dưa, bởi theo suy nghĩ của Hoàng đế Thanh triều khi đó, một người tài năng như thế lại không muốn cống hiến cho mình thì quả thật quá nguy hiểm, cần loại bỏ.
Thế nhưng nằm ngoài tưởng tượng của Càn Long, khi người tùy tùng quay lại bãi dưa, người trồng dưa đã mất hút từ khi nào.
*Theo Sohu (Trung Quốc)
Pháp luật & Bạn đọc