Truyện ma và sùng bái tâm linh ở Nhật Bản

01/09/2018 08:45
Truyện ma và sùng bái tâm linh ở Nhật Bản

Cho dù đó là những câu chuyện về ám ảnh, linh hồn hay các hiện tượng siêu nhiên, đã từng có thời hễ nghe tới chúng là Yuki Yoshida "sởn tóc gáy". Nổi tiếng với danh xưng "thám tử tâm linh", nam nhà văn 37 tuổi này là một kỳ tài chuyên viết về truyện ma ở Nhật Bản.

Từ những hồn ma cho tới các nghi lễ tâm linh kỳ quái hay những vật thể bay không xác định, Yoshida đã dành hơn 1 thập niên chỉ để đi điều nghiên những truyền thuyết và anh đã viết lại chúng trong các quyển sách và tạp chí bán chạy nhất Nhật Bản. Yoshida không phải là nhà ngoại cảm, anh luôn tỏ thái độ hoài nghi với những gì ở thế giới bên kia nhưng lại viết về chúng với một thái độ tò mò nhất định.

“Kỷ nguyên vàng huyền bí”

Phần đông người Nhật không quá tin vào tôn giáo, và phần lớn các huyền thoại cũng như chuyện dân gian đều có gốc rễ từ Thần Đạo, Phật giáo và cả Ki Tô giáo. Tâm lý sợ hãi xen lẫn tôn kính diễn ra ở nhiều người Nhật vào mùa lễ o-Bon (giữa tháng 8 hàng năm) khi linh hồn của người quá cố được cho là quay trở lại dương gian tìm về gia đình thân nhân của họ.

                
   

Ký túc xá Okinajima ở Inawashiro (tỉnh Fukushima) bị bỏ hoang sau khi người chủ tự sát trong tầng hầm. Ảnh: Yuki.

   

Chuyện ma đã được mô tả trong các áng văn chương từ thời đại Bình An (794-1185) và phát triển sang thời kỳ Giang Hộ (1603-1868) khi các thể loại văn chương ma được biết đến dưới cái tên kaidan (chuyện ma). Thời này nổi tiếng với các loại hình nghệ thuật truyền thống như múa rối Kabuki và kể chuyện dân gian rakugo. Nổi tiếng trong số đó là Yotsuya Kaidan, một câu chuyện nói về sự phản bội và giết người được viết vào năm 1825 bởi soạn giả Tsuruya Namboku và nó được dựng thành nhiều bộ phim và văn chương nổi tiếng.

Mối quan tâm về các thể loại chuyện ma cũng phổ biến vào thời kỳ Chiêu Hòa (1926-89) khi nước Nhật trải qua một tiến trình phát triển thời hậu chiến, đứng chân vào hàng ngũ các siêu cường kinh tế. Được mệnh danh là "Kỷ nguyên vàng huyền bí", thập niên 1970, nhiều trẻ em và kể cả người lớn ở Nhật "dán mắt" vào tivi và tạp chí có nói về những lời tiên tri của Nostradamus, những sinh vật kỳ lạ như quái vật hồ Loch Ness hay người tuyết Yeti.

Đây cũng là thời hoàng kim của cơn sốt UFO đã tạo nên những thuyết về cuộc chạm trán giữa người trái đất và sinh vật ngoài trái đất. Những mối quan tâm về thế giới huyền bí và tâm linh đã tạo cơ hội cho sự ra đời của tạp chí tâm linh lâu đời nhất Nhật Bản: Mu.

“Tạp chí siêu bí ẩn”

Ra mắt vào năm 1979, nổi tiếng như là "Tạp chí siêu bí ẩn", tạp chí Mu ra đời cùng thời điểm công chiếu bộ phim giả tưởng kinh dị "Alien" của đạo diễn Ridley Scott, tạo nên cơn địa chấn, "cháy vé" kinh khủng. Tạp chí Mu là một nhánh của công ty Gakken Holdings Co., đơn vị "mẹ đẻ" của các tạp chí và sách chuyên về giáo dục. Độc giả say sưa khám phá các câu chuyện về hội Tam Điểm, UFO, những giả thuyết về thế giới tâm linh, các nền văn minh cổ đại bị mất tích và những vùng đất bí hiểm nhất trên trái đất.

                
Khu thờ tự Kawakura Sai no Kawara Jizoson (Goshogawara, tỉnh Aomori), nơi có 2.000 pho tượng Jizo "trấn" hồn của các trẻ em từng bị chết yểu. Ảnh: Yuki Yoshihda.

Ông Takeharu Mikami, Tổng biên tập của tạp chí Mu khẳng định tôn chỉ hoạt động của tạp chí giữ y nguyên như từ lúc mới thành lập. Nó phản ánh cái nhìn đa chiều của người sống đối với thế giới siêu nhiên của người chết, cũng như truyền thông đại chúng cố gắng "dìm hàng” tạp chí Mu vì độ nổi tiếng của nó. Tổng biên tập Mikami kể: "Những học sinh tiểu học thời thập niên 1970 là độc giả nòng cốt của chúng tôi".

Nhờ lượng độc giả hùng hậu mà tạp chí Mu lớn mạnh qua các thập niên 1980 và 1990 với các chương trình truyền hình "giờ vàng" với sự góp mặt của các pháp sư và nhà ngoại cảm, họ cùng tiến hành các nghi thức bói toán, trừ tà và chống lại ác ma. Các thanh nữ như phát cuồng bởi các trò kể chuyện dân gian bao gồm chiêm tinh, bói chỉ tay và đọc lá bài Tarot, trong khi người trẻ tin vào kiếp sau và thế giới tâm linh đã mở đường cho nhiều tôn giáo mới chào đời. Trong số đó là Aum Shinrikyo tức giáo phái Ngày Tận Thế, với giáo chủ Shoko Asahara luôn để bộ râu dài, thường xuyên xuất hiện trên đài truyền hình và cả tạp chí Mu. Giáo chủ Asahara có tên thật là Chizuo Matsumoto, chính là người đã bị xử tội cùng với 12 đệ tử vào tháng 7/2018 vì giáo phái này đã gây ra vụ tấn công bằng khí độc sarin ở ga tàu điện ngầm Tokyo từ năm 1995, làm chết 13 người và làm bị thương 6.000 người khác.

Bất chấp sự sụt giảm của ngành xuất bản phẩm in ấn, tạp chí Mu vẫn sống tốt nhờ vào sự quan tâm của một lượng độc giả chuyên nghiệp gồm các nhạc sĩ, diễn viên, nghệ sĩ hài kịch và thậm chí cả giới chính trị gia. Năm 2019 tới, tạp chí Mu sẽ kỷ niệm 40 năm thành lập. Tổng biên tập Mikami dự kiến sẽ xuất hiện nhiều hơn trong các bài phỏng vấn trước công chúng.

Qúy ông 49 tuổi này không thích người ta gọi tạp chí Mu như một "tạp chí huyền bí" mà theo ông là nên gọi nó là một tạp chí triết học khám phá những bí ẩn chưa được giải mã(?) Tổng biên tập Mikami khẳng định: "Các hiện tượng UFO thường gắn chặt với những bí mật quân sự, và những sinh vật huyền thoại như quái vật Nessie chính là sự phản ánh về môi trường với các loài quý hiếm, còn ngoại cảm và tâm linh thường liên kết với tôn giáo. Một lần nữa, tôi nói rằng mọi người chớ tin hoàn toàn vào những gì đã đọc".

Tạp chí tâm linh trực tuyến số 1 Nhật Bản

Nếu tạp chí Mu được nuôi dưỡng bởi những đứa trẻ thời hậu chiến, thì tạp chí Tocana lại sinh tồn nhờ những kẻ kế thừa thành công của thời đại kỹ thuật số. Khởi động vào năm 2013 bởi hãng xuất bản trực tuyến Cyzo Inc., trang tin tức huyền bí này có lối thiết kế bóng bẩy vốn lấy nguồn cảm hứng từ "báo lá cải" Daily Mail và thường đăng 8 hay 9 bài viết mới mỗi ngày, đạt lượng truy cập đọc báo từ 50 triệu đến 80 triệu lượt mỗi tháng.

Bà Yukiko Sumi, Tổng biên tập tròn 35 tuổi của tạp chí Tocana, cho hay rằng trang mạng báo chí này chuyên khai thác những câu chuyện về dự báo động đất cùng các phong tục kỳ lạ ở những vùng nông thôn trên đất nước Nhật để thu hút lượng độc giả nòng cốt trong các thập niên 1920 đến cuối thập niên 1930. Bà Sumi giải thích: "Độc giả thích tìm đọc những đề tài cấm kỵ đặc biệt là khi truyền thông chính thống không thể đăng những dạng bài viết nhạy cảm".

Cũng giống như những độc giả của mình, bà Sumi đã bị ảnh hưởng bởi những câu chuyện siêu nhiên mà bà đã tiếp cận trong suốt thời thơ ấu. Lớn lên ở ngoại ô Tokyo, gia đình Sumi đã đối mặt với những khuấy động tâm linh khi bà còn đang học lớp 2 trường tiểu học. Sumi từng rất hoảng hốt khi phát hiện mình bị khóa chặt trong căn hộ hay mắc kẹt trong ban công khi không có ai khác ở nhà, các thiết bị điện tử đột nhiên ngừng hoạt động.

Một ngày nọ, Sumi đột nhiên nghe có những giọng nói lạ bên tai và đi trong vô thức lạc sang thành phố lân cận, trong khi ở trường học mọi người đang tìm kiếm cô. Lo ngại việc con gái bị "ma ám", người cha đã đi tìm một thầy đồng cốt và người này nói rằng một bà cô của Sumi - người qua đời do tự tử - đã đi theo cháu gái. Nữ thầy đồng đã được mời tới nhà Sumi để tiến hành nghi lễ tiêu trừ ma quỷ, chấm dứt những hoạt động dị thường. Bà Sumi nhớ lại: "Đó là sự kiện lớn lao trong đời tôi. Cảm xúc về những gì đó ở thế giới bên kia khiến tôi phập phồng sợ hãi".

Tổng biên tập Sumi quả quyết những câu chuyện về UFO hiện không thu hút độc giả lắm do những tiến bộ của khoa học đã khiến cho viễn cảnh sống ngoài Trái đất trở nên khả thi hơn, và làm "bể mánh" một số bí ẩn từng liên đới với những cuộc chạm trán người hành tinh lạ. Thay vào đó, gần đây có một lượng lớn độc giả chuyển hướng sang sự quan tâm tới thiền định do sự chuyển động về chánh niệm cũng như các tập đoàn lớn mang thiền định vào văn hóa công ty của họ.

Bà Sumi khẳng định: "Thiền định là một đề tài có liên quan mật thiết tới những câu chuyện huyền bí". Theo Sumi, cỗ máy gia tốc hạt lớn đặt gần Geneva (Thụy Sỹ) cũng là một kho báu chứa đựng nhiều giả thuyết kỳ lạ, và có một số người tin rằng việc đập bể nguyên tử có thể kết thúc thế giới chúng ta đang sống để tạo ra một dạng lỗ đen khác hay những cánh cổng khác mở ra các vũ trụ song song. Với tạp chí Tocana, do số lượng độc giả đông đảo nên trang nội dung mở rộng tối đa.

Có thể "nhìn thấy" thế giới bên kia?

Nana Ryuko là một nhân vật được cho là không cần đụng tới những thiết bị đặc biệt mà lại có thể "nhìn" thế giới bên kia? Ryuko tuyên bố có thể nhìn thấy sự hiện diện của linh hồn cũng như đọc suy nghĩ của người khác từ khi còn trẻ. Thật ra Nana Ryuko chỉ là một cái tên bút danh chuyên viết một mục trên tạp chí phụ nữ và điều hành một dịch vụ coi bói trực tuyến từ nền tảng tin nhắn Line.

                
   

Nhà văn Yuki Yoshida, người dành hơn một thập niên để nghiên cứu những hiện tượng dị thường ở Nhật Bản. Ảnh: Alex Martin.

   

Vào tháng 6.2018 vừa qua, Ryuku xuất bản một ấn phẩm manga mang tựa đề "Chồng tôi là ma", trong đó nói về trải nghiệm 2 năm sống với linh hồn người chồng quá cố của bà. Khách hàng của bà Ryuko là các giám đốc điều hành công ty bao gồm chủ tịch của một hãng bán lẻ nổi tiếng. Mỗi ngày, Ryuku gặp mặt từ 3 đến 5 khách hàng và thu nhập trung bình 15.000 Yên/giờ. Nana Ryuku cho biết, người Nhật rất dễ dàng dùng bói toán trong thế giới quan của họ.

Xã hội Nhật được cho là bị ảnh hưởng sâu sắc bởi uranai (thuật coi bói). Người dân Nhật thường lui tới các đền, chùa nhằm mong muốn biết tài lộc trong năm mới của họ như thế nào (kinh doanh và tìm bạn đời). Nana Ryuko là người tinh thông cả 3 khía cạnh uranai: meisen (các phương pháp đọc vận may dựa trên tên và ngày sinh của người khác, bao gồm các hình thức chiêm tinh của phương Đông và phương Tây); bokusen (sử dụng các đồ vật như bài Tarot và quả cầu pha lê để thực hiện bói toán; sôsen (các khía cạnh về nhận thức thị giác và giải mộng).

Bà Ryuku nhấn mạnh: "Những phương pháp tâm linh này đã làm tăng linh hoạt khi chúng tôi giải quyết các yêu cầu của khách hàng. Và việc đoán suy nghĩ người khác đã khẳng định nghề của tôi". Thực vậy, bói toán đã ăn sâu vào văn hóa Nhật Bản với rất nhiều câu chuyện ly kỳ xoay quanh các nhà huyền môn cổ đại.

Thiền sư En no Gyoja, người sống vào thế kỷ thứ 7 và là người khai sáng nhánh Phật giáo Shugendo (một hệ phái Phật giáo Nhật Bản cổ xưa có sự kết hợp của thờ cúng Sơn Thần và Phật giáo) được cho là người có pháp thuật. Nana Ryuku chắc nịch: "Nhật Bản là một đất nước có sự gắn chặt sâu sắc văn hóa truyền thống với thế giới tâm linh. Như với cá nhân tôi, dường như tôi có "căn" để làm những công việc này".

Mở mang kiến thức

Đối với nhà văn Yuki Yoshida, anh chuyên viết các đề tài mảng tâm linh, huyền bí cho 2 tạp chí nổi tiếng là Mu và Tocana. Đầu thập niên 2000, Yoshida đã bị hơn 80 công ty từ chối nhận việc sau khi anh tốt nghiệp từ Đại học Waseda danh giá ở thủ đô Tokyo. Thất vọng với thời cuộc, Yoshida đã tự biến thành một nhà văn tự thân. Anh viết về những huyền thoại đô thị cùng những sự cố không sao giải thích được. Cuốn sách sắp tới của nhà văn Yoshida sẽ có một tấm bản đồ vẽ những địa điểm đặc biệt (giới hạn tham quan) có thể là linh thiêng hoặc bị nguyền rủa.

Những câu chuyện ma được viết từ những địa điểm cụ thể thường là đại diện cho những bất công xã hội trong quá khứ cùng những vấn đề chưa được xử lý và chưa bao giờ được quan tâm đúng mức trong lịch sử học thuật.

Nhà văn Yuki Yoshida muốn dùng ngòi viết của mình để làm lộ sáng những góc bị lãng quên nhằm tìm ra một câu chuyện thay thế cho những gì đã bị trôi vào hư vô. Với nhà văn Yoshida, huyền bí có nghĩa là "tìm kiếm kiến thức để đạt tới sự giác ngộ".

Nguyễn Thanh Hải/ANTG


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025