Mục đích của mọi tôn giáo đều nhằm vào sự cải thiện và hướng dẫn con người sống thuận theo những chân lý hằng có trong vũ trụ; thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại từ chỗ man rợ, vô minh đến sự hoàn hảo hay Chân, Thiện, Mỹ; khuyến khích sự hợp nhất tinh thần con người với cái yếu tố thiêng liêng bao trùm khắp vũ trụ để cho “Thượng Đế là tất cả trong tất cả” (1 Cor. 15:28).
Chính sự hiểu biết về chân lý là những nấc thang đưa nhân loại đến mục đích chung là sự hoàn hảo hay tận thiện, nhưng vì mỗi người đều có những quan niệm hay sự hiểu biết không giống nhau nên việc đưa ra một giáo lý chung cho tất cả sẽ không có lợi ích bao nhiêu. Điều mà người thông minh cho là hay thì kẻ dại khờ không thể hiểu; điều thích hợp với kẻ vô học sẽ không mang lại thích thú gì cho các học giả uyên bác. Do đó từ ngàn xưa, tùy theo phong tục tập quán và điều kiện xã hội mà các đấng giáo chủ đã xuất thế tại nhiều nơi khác nhau, giảng dạy chân lý dưới một hình thức thích hợp với thời gian và không gian lúc đó.
Tôn giáo có thể ví như các nhánh của một thân cây lớn mà gốc của nó là chân lý, vì mọi tôn giáo đều phát xuất từ những chứng nghiệm nội tâm của các bậc giáo chủ qua sự hiểu biết về chân lý hằng có trong vũ trụ. Do đó không một tôn giáo chân chính nào lại có thể đề xướng một điều gì khác biệt với chân lý bất biến của vũ trụ được.
Điều quan trọng mà con người cần đặt câu hỏi là hiện nay tôn giáo có cải thiện đời sống và đem lại hạnh phúc thật sự cho con người hay không? Hiện nay tôn giáo còn theo đúng với các tinh hoa khi xưa hay không? Hiện nay tôn giáo có theo đúng mục đích ban đầu của các giáo chủ sáng lập hay không? Đây không phải những câu hỏi để đem ra tranh luận vì nó chỉ gây chia rẽ và không giải quyết được gì, nhưng là những câu hỏi riêng tư để mọi người tự đặt ra cho chính mình.
Trở về từ xứ tuyết