Sự thật về những 'tình bạn độc hại'

23/11/2021 16:00
Sự thật về những 'tình bạn độc hại'

Theo các nhà tâm lý học, xung đột xảy ra trong một mối quan hệ có thể khiến chúng ta còn căng thẳng hơn cả việc ở bên những người mình hoàn toàn không ưa.

Người bạn độc hại

Roger và Jim là bạn bè đã hơn 30 năm. Khi còn trẻ, họ cùng tham gia một ban nhạc; tình bạn của họ đã được hun đúc nhờ tình yêu với âm nhạc và bia. Ngay cả bây giờ, dù vướng bận gia đình nhưng họ vẫn sắp xếp để gặp nhau vài tháng một lần. Roger (sống tại West Midlands, Anh) nói: "Anh ấy khiến tôi phát điên lên được".

Chính Jim là người xuất hiện trong tâm trí Roger mỗi khi nhắc đến khái niệm "tình bạn độc hại". Theo đó, mỗi lần gặp mặt đều nói chuyện xoay quanh các nội dung lặp lại, bởi vì Jim không bao giờ lắng nghe Roger nói.

Sự thật về những tình bạn độc hại - 1

Có những mối quan hệ khiến bạn rơi vào trạng thái "vừa yêu vừa ghét" (Minh họa: Calum Heath).

Roger chưa bao giờ nói với Jim cảm giác của mình. Song, Roger cũng cho rằng, sẽ không kết thúc mối quan hệ chỉ vì một vài điều không hài lòng ở đối phương. Thêm vào đó, Roger cho biết, Jim là một trong số ít những người bạn cũ: "Thật khó để nghĩ rằng chúng tôi sẽ không gặp nhau vì một vài điều khó chịu".

Một "người bạn độc hại" nghe có vẻ khó tin. Không giống gia đình hay đồng nghiệp, nơi chúng ta có nghĩa vụ duy trì sự kết nối, hầu hết mối quan hệ bạn bè do bản thân mỗi người tự nguyện lựa chọn.

Julianne Holt-Lunstad, giáo sư tâm lý học và khoa học thần kinh tại Đại học Brigham Young ở Utah (Mỹ), cho biết, gần như mọi người đều có người quen nào đó khiến họ có cảm xúc lẫn lộn giữa yêu và ghét.

Holt-Lunstad bắt đầu nghiên cứu những mối quan hệ để hiểu tác động của chúng đối với sức khỏe. Các mối quan hệ tích cực thường khiến mọi người thấy dễ chịu, ngược lại, mối quan hệ độc hại có thể ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, họ bắt đầu nghĩ đến nhiều hơn những mối quan hệ kết hợp cả hai yếu tố nêu trên.

Holt-Lunstad nói: "Đó là sự pha trộn giữa sự tích cực và tiêu cực. Bạn có thể không biết mình sẽ nhận được gì từ họ, hoặc có thể là do bạn quan tâm đến người đó, nên khi mọi thứ theo chiều hướng xấu đi, bạn sẽ cảm thấy đau đớn".

Buông bỏ mối quan hệ khiến bạn "ám ảnh"

Sophie (20 tuổi, sống tại London, Anh), nhớ lại rằng mình từng có một người bạn cùng trường như vậy. "Tôi cảm thấy mệt mỏi khủng khiếp khi chúng tôi đi chơi với nhau và tôi đã phải mất một thời gian dài để hiểu được lý do tại sao. Cô ấy thường viết trạng thái mỉa mai tôi sau cuộc hẹn. Hoặc là nói về việc cô ấy ghét son môi màu đỏ như thế nào trong khi hôm ấy tôi đánh màu son đó".

Sự thật về những tình bạn độc hại - 2

Nhiều người rơi vào trạng thái mệt mỏi khi trong mối quan hệ độc hại (Ảnh: Shutterstock).

Trong những trường hợp mà người bạn đó thể hiện rõ sự xấu tính hoặc thô lỗ, Sophie sẽ thẳng thắn bày tỏ quan điểm. "Sau đó, cô ấy sẽ cho rằng tôi quá nhạy cảm", cô tâm sự.

Sam Owen, một nhà tư vấn tâm lý và tác giả cuốn sách "Những mối quan hệ hạnh phúc" cho rằng, những lời khen có cánh, tâng bốc có thể là dấu hiệu của một người bạn độc hại. Vì vậy, giao tiếp phi ngôn ngữ có vẻ trái ngược với lời nói của họ, từ đó dẫn đến mất lòng tin.

Owen cho biết: "Những cảm giác cơ thể bạn phát ra có thể có một thông điệp về hướng đi của bạn hoặc tránh xa một số người. Ví dụ, bạn thường xuyên cảm thấy căng thẳng hoặc mất tinh thần khi có sự hiện diện của người đó, điều này có nghĩa là họ không thực tâm muốn chơi chung với bạn".

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao chúng ta có thể tiếp tục duy trì những tình bạn khiến bản thân có cảm xúc lẫn lộn, hoặc thậm chí đối phương chủ động làm ta thấy mọi thứ thật tồi tệ?

Tiến sĩ Robin Dunbar, giáo sư tâm lý học tiến hóa tại Đại học Oxford (Anh quốc), cho biết chúng ta chỉ có thể duy trì tổng cộng 150 tình bạn, nhưng không dành cho tất cả quỹ thời gian hay sự thân thiết như nhau.

Trên thực tế, nghiên cứu của ông đã chỉ ra rằng khoảng 60% nỗ lực quan tâm của chúng ta chỉ dành cho 15 người, 40% dành cho 5 người quan trọng nhất.

Mọi người ít có khả năng chủ động cắt đứt quan hệ với "kẻ thù không đội trời chung của mình" hơn là khiến bản thân trở nên xa cách. Sophie và bạn cuối cùng đã dần xa nhau, với sự chủ động của Sophie.

"Tôi đã không gặp cô ấy trong nhiều năm. Thỉnh thoảng, người bạn ấy nhắn tin cho tôi trên Instagram nhưng tôi luôn phớt lờ chúng".

Nhiều người vẫn chọn cách duy trì mối quan hệ, chỉ là giảm tần suất hoặc cơ hội gặp mặt. Lý giải về điều này, giáo sư Holt-Lunstad cho rằng, có thể một số người bị tác động bởi những yếu tố bên ngoài. Chẳng hạn, bạn sống gần nhau hoặc có nhiều bạn chung. Thực tế, cô rất ngạc nhiên khi biết, chủ yếu là do tự bản thân những người đó quyết định như vậy. "Có lẽ họ đã đầu tư rất nhiều vào mối quan hệ ấy".

Sự thật về những tình bạn độc hại - 3
Bạn đã bao giờ có "người bạn độc hại" chưa? (Ảnh: Shutterstock)

Đối với nhiều người, tình bạn có thể được vun vén từ thời đi học. Giáo sư Dunbar cho biết, một số tình bạn thân thiết được hình thành trong độ tuổi 15-25 có xu hướng bền chặt hơn theo thời gian vì sự gắn kết mạnh mẽ ở độ tuổi đó.

Hay nhiều khi là sự ràng buộc về văn hóa: "Bạn thấy rằng bạn và người bạn ấy đã cùng nhau trải qua nhiều vấn đề, chia sẻ nhiều kỷ niệm sâu sắc nên phải có trách nhiệm với mối quan hệ cũ đó, ngay cả khi hai người đã trở nên xa cách".

Theo nghiên cứu của Holt-Lunstad, nhiều người thấy rằng việc quay ngoắt thái độ vì sự thô lỗ hoặc hành vi xấu của bạn mình là điều nên làm. "Họ không muốn trở thành kiểu người không thể duy trì tình bạn".

Thông thường, những ký ức tốt đẹp vẫn luôn để lại ấn tượng hơn những khoảnh khắc tồi tệ. Hai người chọn gắn bó với nhau vì những điểm tốt đẹp của họ.

Tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Miriam Kirmayer cho biết "tình bạn độc hại" thường chỉ ra rằng mối quan hệ đã bị thách thức. Ví dụ, đã có sự phản bội niềm tin hoặc sự quan tâm dành cho đối phương không còn cân bằng.

Theo đó: "Trọng tâm của điều này là sự tự suy ngẫm, biết được điều gì đang khiến nhau cảm thấy phiền lòng. Đặc biệt, những cảm xúc mạnh mẽ có thể giúp nhìn thấy những điểm chung hay tập trung vào mặt tích cực và nói rõ ràng với bạn mình".

Sự thật về những tình bạn độc hại - 4

Sau cùng, nhiều người chọn cách nhìn vào khía cạnh tốt đẹp của đối phương để tiếp tục duy trì tình bạn (Ảnh: Shutterstock).

Nếu điều trên không khiến mối quan hệ thay đổi như mong muốn, Kirmayer khuyên bạn nên chuyển kỳ vọng, tập trung vào những điều tích cực từ tình bạn làm cho cuộc sống tốt hơn. Bạn có thể yêu cầu thiết lập những ranh giới để quản lý các xung đột không đáng có.

"Mọi người không nên tự đổ lỗi cho bản thân, mà hãy xem tất cả mối quan hệ, bao gồm cả tình bạn là một động lực, rằng bạn bè của bạn đang tạo động lực theo một cách nào đó.

Holt-Lunstad thì nói rằng công việc đã khiến cô phải suy ngẫm về các mối quan hệ của chính mình. "Tôi không muốn trở thành nguồn gốc của sự khó chịu cho ai khác. Nó khiến tôi phải suy nghĩ "Tôi là người bạn như thế nào? Tôi có đáng tin cậy không? Chúng ta không thể thay đổi người khác, nhưng chúng ta có thể thay đổi chính mình. Bước đầu tiên là luôn nhìn nhận cảm xúc bên trong của mình".

T.N

Theo The Guardian

 


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025