Sách dạy làm người: Vàng thau lẫn lộn

06/09/2018 07:30
Sách dạy làm người: Vàng thau lẫn lộn

Trên thị trường có rất nhiều cuốn sách self-help (tu thân, học làm người; tự lực, tự giúp) chứa đựng những giá trị sâu sắc, vượt thời gian nhưng cũng rất nhiều cuốn ẩn chứa đầy những mâu thuẫn đáng ngờ, thậm chí dẫn đến lối sống sai lầm.

Thị phần béo bở

Đổ bộ vào Việt Nam sau thời kỳ mở cửa, sách self-help vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ. Dòng sách này đã trở thành "nồi cơm", chỗ dựa của nhiều nhà làm sách. Sách dạy làm người nhanh chóng trở thành thị phần đầy tiềm năng và có sức sống mạnh mẽ, nhất là trong thế giới đương đại nhiều đổ vỡ, con người muốn vươn lên làm giàu.

Nhiều năm nay, Công ty Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt vẫn bán tốt các tác phẩm: "Đắc nhân tâm", "Quẳng gánh lo đi và vui sống" (bản dịch khác, không phải bản dịch của học giả Nguyễn Hiến Lê); "Sức mạnh của hiện tại" (The Power of Now) - tác phẩm của Eckhart Tolle, thực hành an trú trong những giây phút hiện tại, vượt qua những suy nghĩ tiêu cực và tìm được bản ngã, giữ tinh thần lạc quan và thanh thản; "Đánh thức con người phi thường trong bạn" (Awaken the Giant Within) của đại tác gia Anthony Robbins giúp người đọc lý giải được việc tại sao chúng ta luôn hành động theo thói cũ để rồi sau đó nhận ra đó là "vết xe đổ"…

Sách dạy làm người: Vàng thau lẫn lộn - Ảnh 1.

Một số cuốn sách dạy (học) làm người do cố học giả Nguyễn Hiến Lê biên dịch vừa xuất bản lại và 2 cuốn sách nói về phẩm cách của tác giả người Nhật Bando Mariko vừa xuất bản tại Việt Nam

Mới đây, Công ty MC Books vừa công bố phục dựng tủ sách 120 đầu sách của học giả Nguyễn Hiến Lê, mà trong đó hầu hết là sách dạy (học) làm người. Nhà Xuất bản Phụ Nữ cũng vừa cho ra mắt "Phẩm cách phụ nữ" và "Phẩm cách cha mẹ" của tác giả Bando Mariko - một nhân vật có tiếng tăm ở Nhật Bản, vừa hoàn thành xuất sắc cả việc công lẫn việc tư. Bà từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước, từng là quan chức ngoại giao (nữ tổng lãnh sự đầu tiên của Nhật Bản ở TP Brisbane - Úc), Trưởng Ban Xúc tiến bình đẳng giới trực thuộc phủ thủ tướng…

Điểm tựa tinh thần

Cố học giả Nguyễn Hiến Lê nổi tiếng nhất với bản dịch đầu tiên "Đắc nhân tâm" và "Quẳng gánh lo đi và vui sống" của tác giả Dale Carnegie, nay được biết đến nhiều hơn với hàng loạt cuốn sách giá trị, được cụ dày công nghiên cứu, biên soạn, dịch thuật và tự viết. Đọc "Các cuộc đời ngoại hạng" về những tấm gương lớn trên thế giới như: Victor Hugo, Cha con Dumas, Jules Verne… để thấy ngoại hạng không phải chỉ là những gì phi thường, vĩ đại mà là để hiểu rằng đạt được thành công bắt buộc phải có hy sinh, thành công càng lớn, hy sinh càng nhiều.

Có những cuốn sách truyền năng lượng tốt, làm thay đổi cách nghĩ, cách sống tiêu cực của con người, hướng họ đến những điều tốt đẹp. Câu chuyện của cô giáo Hồng Yến ở Quảng Ngãi trong chương trình "Cảm ơn đời - Sống cuộc đời mà số phận đã trao" phát trên sóng VTV8 vào tháng 5-2018, là minh chứng cho những gì tốt đẹp mà sách mang lại. Chính tự truyện "Tôi không bất hạnh" của thầy giáo Nhật Bản Hirotada Ototake đã giúp Yến vượt qua mặc cảm tật nguyền, mặc cảm từng bị từ chối đến trường và gieo mầm trong cô ước mơ trở thành cô giáo.

Ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Công ty Văn hóa sáng tạo First News - Trí Việt, cho biết hành trình mang sách học làm người đến với phạm nhân trong các trại giam của công ty ông trong nhiều năm qua thật sự thu lại những kết quả đáng khích lệ. Hàng trăm lá thư cảm ơn của phạm nhân được gửi về, hầu hết bày tỏ chính những cuốn sách họ được đọc ấy đã làm thay đổi nhận thức về cuộc sống, giúp họ hướng thiện, có cả thư của người đàn ông đang đứng trước bờ vực tự tử. Anh ấy biết ơn vì những quyển sách này đã đến kịp lúc, giúp anh từ bỏ suy nghĩ về cái chết và sống lạc quan hơn.

Sống ảo tưởng

Bỏ ra vài chục ngàn đồng, người mua sách self-help sở hữu được những giấc mơ ngọt ngào.

"Tôi tài giỏi bạn cũng thế" không chỉ là cuốn sách của Adam Khoo - một trong những triệu phú trẻ người Singapore - mà còn là "sản phẩm giáo dục" của cả một tập đoàn quốc tế mang tên tác giả này được diễn giả Trần Đăng Khoa đưa về Việt Nam khoảng hơn 10 năm trước. Chưa nghe ai nói mình giàu lên từ khi đọc được cuốn sách này, chỉ thấy người sản xuất cuốn sách này giàu lên nhờ nó.

Cuốn "Tuần làm việc 4 giờ" hứa giúp bạn "làm việc ít đi 20 lần nhưng thu nhập tăng lên 10 lần". Ngay đến cả cuốn "Nghĩ giàu, làm giàu" mà ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ in hàng trăm ngàn bản tặng cho thanh niên cũng không yêu cầu bạn lao động vất vả hay có tài năng, chỉ cần "rất mong muốn trở nên giàu có". Một số chương trong "Nghĩ giàu, làm giàu" yêu cầu viết số tài sản mình muốn có lên một tờ giấy và đọc to nó lên 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Cần làm như vậy vì tiền bạc "tuy không nói năng được nhưng có thể nghe thấy khi ai đó khao khát gọi tên nó" theo tác giả.

Còn T. Harv Eker, tác giả cuốn "Bí mật của tư duy triệu phú", hướng dẫn bạn đọc "cài đặt" tư duy của người giàu bằng cách đặt tay lên tim và nói: "Tôi là một người đón nhận tuyệt vời. Tôi sẵn sàng và rộng mở đón nhận những lượng tiền khổng lồ đến với cuộc đời tôi". Sau đó cần chạm lên đầu mình và nói: "Tôi có tư duy triệu phú".

Ðọc sách dạy làm giàu để bị sách dẫn dụ cuốn đi cũng không khác gì đọc các tiểu thuyết diễm tình lâm ly để rồi sống nửa hư nửa thực. Nhiều cuốn sách self-help đã nhắc ở trên đều bị phê phán là thay thế niềm tin, danh dự, cao thượng - những giá trị trong xã hội trước kia - bằng 2 chữ "giàu có", đánh đồng sự đẹp đẽ của tính cách con người với khả năng kiếm tiền.

Kiểu "tư duy triệu phú" này có thể làm tê liệt khả năng tư duy độc lập, phản biện và ý thức xã hội, những điều đang thiếu ở xã hội chúng ta. 

Sách truyền cảm hứng nhạt nhòa

Những quyển sách truyền đi năng lượng tích cực như sách viết về tấm gương vượt khó, tự truyện, hồi ký… còn gọi là sách truyền cảm hứng cũng đang có mặt ngày càng nhiều trên thị trường.

Số lượng nhiều nhưng chất lượng không đều, bên cạnh những tác phẩm hay cũng không thiếu những sách có mẫu mã đẹp nhưng nội dung nhạt nhòa. Nhiều câu chuyện ăn theo cái xấu, cái tủn mủn cá nhân như xì-căng-đan khoe thân, phẫu thuật thẩm mỹ, tù tội… của giới showbiz. Nhiều sách chưa đủ "chất" để xếp vào một thể loại văn học nào mà chỉ đủ để gọi là một quyển nhật ký được trình bày khá "lớp lang".

trang 13

Bìa những cuốn sách được cho là truyền cảm hứng nhưng nhạt nhòa giá trị

Bên cạnh nội dung, cách tác giả kể chuyện cũng khiến người đọc đặt nhiều dấu chấm hỏi về giá trị nhân văn của sách và đạo đức của người viết. Sách không còn phản ánh cái nhìn khách quan mà trở thành phương tiện giãi bày, phân bua, bào chữa cho những điều bị phê phán, chê bai trong quá khứ. Trong "Lạc giữa thanh xuân", Bà Tưng hóa ra là nạn nhân vô tội, là cô gái ngây thơ bị người khác lừa gạt dẫn đến khoe thân. Còn Hoàng Thùy Linh thì như con chim "vàng anh" đáng thương sau vụ lộ clip sex, cách cô vượt qua khoảng thời gian đó được miêu tả đầy kiêu hãnh như cách loài chim bé nhỏ hóa thân thành "phượng hoàng".

Một số sách chỉ chăm chăm tô đẹp cái tôi, thậm chí hy sinh cả người khác để nhân vật chính được sáng ngời. "Một đời giông bão" của Thương Tín và "Phút 89" của Lê Công Vinh cũng gây tranh cãi dữ dội khi hàng loạt tên tuổi khác bị tô đen trên mặt giấy.

PGS-TS Trần Lê Hoa Tranh cho rằng: "Nếu có một câu chuyện đặc biệt, có yếu tố nghị lực vượt qua nghịch cảnh thì ngay cả người bình thường cũng có được một quyển sách rất hay chứ chẳng riêng người nổi tiếng. Nhân sinh là yếu tố quan trọng hàng đầu làm nên giá trị của cuốn sách chứ không phải là sự nổi tiếng hay bất kỳ yếu tố nào khác".

"Nhiều sách khiến người đọc cảm thấy cái lẽ đời và cái mục đích sống ngắn ngủi vô cùng. Xét đến cuối cùng, sách không chỉ là để bán, không phải là để đánh bóng tên tuổi, sách là để giáo dục con người" - Giám đốc Công ty sách Trí Việt - First News Nguyễn Văn Phước bày tỏ.

HÒA BÌNH - PHẠM TRANG


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025