'Ơ, mình vào đây làm gì nhỉ': Tại sao bước qua một ô cửa có thể khiến bạn bị đãng trí?

25/04/2021 08:00
'Ơ, mình vào đây làm gì nhỉ': Tại sao bước qua một ô cửa có thể khiến bạn bị đãng trí?

Bản thân ngưỡng cửa không ăn cắp ký ức của bạn mà đó là sự thay đổi của môi trường xung quanh.

Đã bao giờ bạn ra khỏi nhà, đóng cửa rồi nhận ra mình quên cái gì đó nên quay lại. Nhưng ngay giây phút bạn mở cửa và bước vào trong nhà, bạn lại quên mất mình trở lại để lấy cái gì? Nếu đã từng thì chúc mừng bạn đã trải nghiệm kiểu đãng trí hết sức đáng yêu có tên riêng là "hiệu ứng ngưỡng cửa".

Trong một nghiên cứu mới, các nhà khoa học Australia đã phát hiện ra điều gì đã thực sự gây ra hiệu ứng mất trí tạm thời này. Hóa ra, những ô cửa không phải thủ phạm để đổ lỗi như nhiều người từng nghĩ trước đây.

Một ngưỡng cửa không thể một mình nó tẩy não của bạn. Vậy nguyên nhân thực sự đến từ đâu?

 Ơ, mình vào đây làm gì nhỉ: Tại sao bước qua một ô cửa có thể khiến bạn bị đãng trí?  - Ảnh 1.

Thí nghiệm với môi trường thực tế ảo

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMC Psychology. Trong đó, các nhà khoa học đến từ Đại học Bond, Australia.đã tuyển dụng tổng cộng 74 tình nguyện viên để tham gia một loạt các thử nghiệm trong môi trường thực tế ảo.

Các tình nguyện viên được yêu cầu đi vào các căn phòng 3D do máy tính tạo ra. Mỗi căn phòng này đều có chứa một đối tượng yêu cầu tình nguyện viên cần phải ghi nhớ - chẳng hạn như một hình nón màu xanh lam hoặc một hình chữ thập màu vàng.

Sau khi nhìn hình ảnh, họ được yêu cầu đi sang căn phòng kế tiếp bằng cách bước qua một ngưỡng cửa. Ở căn phòng mới này, họ cần phải nhớ lại đối tượng ở căn phòng trước đó, đồng thời ghi nhớ đối tượng ở căn phòng mới.

Thí nghiệm được thực hiện liên tục với một loạt căn phòng mà tình nguyện viên cần phải đi qua.

Bây giờ, bạn nghĩ một ngưỡng cửa có thể khiến các tình nguyện viên quên được đối tượng ở căn phòng trước hay không? Không hề, thí nghiệm này hóa ra khá dễ dàng để thực hiện.

"Lúc đầu, chúng tôi đã không thể tìm thấy hiệu ứng ngưỡng cửa và đã nghĩ rằng có lẽ họ quá giỏi  trong việc ghi nhớ mọi thứ", Oliver Baumann, một nhà tâm lý học đế từ Đại học Bond cho biết.

Vì vậy, để tiếp tục thí nghiệm, ông và các đồng nghiệp của mình đã nâng nó lên một cấp độ khó hơn. "Chúng tôi yêu cầu các tình nguyện viên thực hiện thêm một nhiệm vụ khá khó là đếm ngược các dãy số trong khi di chuyển qua mỗi căn phòng", Baumann nói.

 Ơ, mình vào đây làm gì nhỉ: Tại sao bước qua một ô cửa có thể khiến bạn bị đãng trí?  - Ảnh 2.

Mô hình thực tế ảo trong thí nghiệm của Đại học Bond.

 

"Quả thực, việc đếm ngược đã kích hoạt hiệu ứng đãng trí xảy ra. Điều này cho chúng ta thấy rằng khi trí nhớ của các tình nguyện viên bị quá tải, họ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng ngưỡng cửa hơn. Nói cách khác, hiệu ứng ngưỡng cửa chỉ xảy ra nếu trí óc của chúng ta đang ở trạng thái dễ bị tổn thương".

Phát hiện này cũng giải thích những gì xảy ra trong đời sống hàng ngày, khi chúng ta thường quên mất những gì cần làm khi đi vào phòng, trong khi bị phân tâm và suy nghĩ bởi những việc khác. Nhưng có thật toàn bộ trách nhiệm thuộc về những ô cửa hay không?

Vấn đề hóa ra không nằm ở ngưỡng cửa

Để tìm ra việc các ngưỡng cửa thực sự có thực sự sở hữu thứ ma thuật khiến con người rơi vào vùng đất quên lãng hay không, Baumann và các đồng nghiệp tiếp tục thiết lập một số thí nghiệm tương tự với bối cảnh là các ô cửa khác nhau.

Họ xây dựng nên các hành lang cầu thang 3D và yêu cầu tình nguyện viên đi liên tục qua các ngưỡng cửa của nó. Tất nhiên, nhiệm vụ đếm ngược và ghi nhớ vẫn phải được thực hiện. Nhưng thật kỳ lạ là lần này, các tình nguyện viên đã thể hiện một trí nhớ tuyệt vời.

Họ không quên bất kỳ một nhiệm vụ ghi nhớ nào, dù não bộ vẫn bị làm cho quá tải. Điều này cho thấy sự thay đổi vị trí và bản thân các ngưỡng cửa không phải là vấn đề. Vấn đề là sự thay đổi bối cảnh giữa các căn phòng.

Bởi các hành lang cầu thang có bối cảnh giống hệt nhau, hiệu ứng ngưỡng cửa đã không xảy ra trong thí nghiệm mới. Các nhà khoa học cũng đã một lần nữa xác nhận điều đó khi cho các tình nguyện viên đi vào các căn phòng giống nhau liên tục, hiệu ứng ngưỡng cửa quả thực cũng đã biến mất.

 Ơ, mình vào đây làm gì nhỉ: Tại sao bước qua một ô cửa có thể khiến bạn bị đãng trí?  - Ảnh 3.

"Bản thân ngưỡng cửa không gây ra sự lãng quên mà là sự thay đổi của môi trường xung quanh", Baumann cho biết.

"Một ví dụ điển hình trong đời sống là khi bạn đi xung quanh một cửa hàng bách hóa có thang máy. Khi chiếc thang di chuyển giữa các tầng bán lẻ được bày biện khá giống nhau, nó có thể không ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn. Nhưng khi đi thang máy từ hầm gửi xe lên quầy bán lẻ có thể khiến bạn quên mất thứ cần mua".

Làm sao để tránh hiệu ứng ngưỡng cửa?

"Đối với tất cả các khía cạnh của cuộc sống, bộ não của chúng ta sẽ chia chúng thành các phân đoạn sự kiện, cho dù đó là không gian vật lý hay bạn có thể hiểu theo nghĩa trừu tượng hơn", Baumann giải thích.

"Nhìn chung, điều đó mang lại cho chúng ta sức chứa lớn hơn so với việc bạn chỉ có một không gian làm việc khổng lồ, nơi mọi thứ được kết nối lại với nhau. Nhưng cái giá phải trả là khi chuyển đổi giữa các phân đoạn, ký ức của chúng ta có thể sẽ bị mất đi một chút".

Bước qua một cánh cửa, hay bất kỳ một vật che chắn tầm nhìn nào cũng có thể khiến sự kiện của bạn bị phân đoạn. "Bây giờ, khi bộ não nghĩ rằng nó ở trong một bối cảnh khác, thì những ký ức đó thuộc về một mạng lưới thông tin khác", Baumann nói.

Nếu bạn đang có một ký ức ở mạng lưới thông tin trước đó, mà não bộ bạn đang ở trạng thái bị quá tải, nhiều khả năng bạn sẽ bị quên mất ký ức cần nhớ.

 Ơ, mình vào đây làm gì nhỉ: Tại sao bước qua một ô cửa có thể khiến bạn bị đãng trí?  - Ảnh 4.

Do đó, bí quyết để kiểm soát hiệu ứng ngưỡng cửa nằm ở hai mấu chốt này. Thứ nhất, hãy đi chậm lại và để ý những không gian vật lý ở phía trước bạn nhằm tránh làm phân đoạn ký ức. Thứ hai, hãy tập trung vào nhiệm vụ chính của mình, ghi nhớ nó thay vì để các thông tin khác khiến bạn phân tâm.

"Nếu muốn thoát khỏi sự mê hoặc của ô cửa, cơ hội tốt nhất của chúng ta là giữ cho mình một tâm trí tập trung", Baumann nói. Vì vậy, nếu lần tới bạn có ra khỏi nhà và cần quay trở lại để lấy thứ gì đó, một là hãy đi chậm lại, hai là cố gắng tập trung để không phải vào nhà rồi mới ngẩn ra tự hỏi: "Ơ mình quay lại để làm gì thế nhỉ?".

Tham khảo Sciencealert, Theconversation

Pháp luật và bạn đọc


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 18/01/2025