Có một thực tế là ở những năm đầu đời, con đã có thể ghi nhớ hành động của cha mẹ qua cách học bằng hình ảnh. Và khi đến một độ tuổi nhất định, con sẽ có những hành động lặp lại giống như cha mẹ. Đây chính là sự di truyền tính cách mà chúng ta thường thấy, tất cả đều là do sự học hỏi khi còn bé của con.
Một người mẹ ở Nhật có con học kém đã tâm sự rằng: “Tôi hối hận đến trào nước mắt vì đã bỏ qua giai đoạn quan trọng nhất của con mình, giai đoạn từ không đến sáu tuổi”. Hay một trường hợp đáng kinh ngạc khác của bà Stoner: “Khi con mới sinh, tôi đọc truyện cho bé nghe mỗi ngày, đều đặn đến khi bé khôn lớn. Năm chín tuổi, bé thi đỗ đại học và khi mười hai tuổi, bé được đánh giá là có kiến thức của một sinh viên tốt nghiệp”.
Mỗi đứa trẻ được sinh ra đều mang trong mình tố chất của một thiên tài. Chỉ cần ta biết cách nuôi dưỡng tố chất đó ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ thì sẽ có một ngày chúng nảy mầm.
Những dẫn chứng và lập luận trên đã cho thấy rõ việc Giáo dục sớm cho con là quan trọng đến nhường nào. Ngay cả khi con trẻ có thể bị khiếm khuyết về não thì nếu áp dụng đúng cách rèn luyện, con vẫn sẽ phát triển và thông minh như những đứa trẻ bình thường khác.
Giáo sư Makoto Shichida, một nhân vật uy tín lớn và là nhà giáo dục tiên phong, đã cống hiến hơn 40 năm trong lĩnh vực Giáo dục sớm ở Nhật Bản. Bên cạnh đó, ông còn phát triển phương pháp giáo dục phát triển toàn diện và cân bằng não bộ ở trẻ. Trong quyển sách “70 thói quen tốt trong việc nuôi dưỡng con theo phương pháp Shichida”, ông chia sẻ về 70 thói quen giúp các bậc cha mẹ nuôi dưỡng những hạt giống trong những đứa con của mình.
Đây sẽ là những thói quen giúp cha mẹ kết nối và thể hiện tình yêu với con; giúp con ngoan ngoãn và vâng lời, trở thành một người tốt, biết đóng góp phát triển xã hội; giúp con có những bước đi vững chắc trên con đường học tập lẫn trên đường đời. 70 thói quen này được diễn đặt bằng giọng văn nhẹ nhàng, mang đến cho người đọc cảm giác rằng bất cứ bậc cha mẹ nào cũng đều có thể nuôi dưỡng nên những đứa con thiên tài, hơn nữa việc này còn rất dễ dàng.
Cha mẹ cần hiểu rằng Giáo dục sớm là để giúp con phát huy được năng lực vốn có, bên cạnh đó còn là để nuôi dưỡng và phát triển những đức tính tốt, tâm hồn lương thiện cho con. Tuy đặt hai vấn đề này song song nhưng sách cũng nói rõ quan điểm của cha mẹ nên đặt việc nuôi dưỡng tâm hồn là mục đích tiên quyết. Vì chỉ khi con có một tâm hồn đẹp thì con mới có thể phát triển tốt được những tri thức đã tiếp thu.
Ngoài ra, sách còn đưa thêm rất nhiều những dẫn chứng và phân tích chúng một cách cụ thể để từ đó rút ra cho các bậc cha mẹ những thói quen nên có khi nuôi dạy con. Bằng cách này, các bậc cha mẹ có thể hiểu được tại sao nên có những thói quen này và từ đó ghi nhớ lâu hơn và áp dụng chúng hợp lý hơn.
Quyển sách còn là minh chứng cho việc “thai giáo” vốn không phải chỉ là chuyện chăm sóc sức khỏe cho mẹ và con sau sinh, mà nó còn là vấn đề vô cùng nghiêm túc và cần được cha mẹ chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi quyết định có con. Bởi nó quyết định việc con bạn sau này có được nuôi dạy tốt không và sẽ trở thành người như thế nào.
Nuôi dạy một đứa trẻ là một hành trình mà phải có cả cha lẫn mẹ vì mỗi người trong cuộc hành trình này đều đảm nhận những trách nhiệm khác nhau. Mẹ không thể làm những việc trong vai trò của cha và ngược lại. Vì thế đừng xem việc nuôi dạy con là trách nhiệm của riêng cha hoặc mẹ. Đây là cuộc hành trình tuy khó khăn nhưng cũng đầy những hạnh phúc.
Quyển sách có viết một câu rất hay: “Cha mẹ hãy giải phóng mình khỏi những mặc cảm về ý thức trách nhiệm, hãy hồi tưởng lại cảm giác đầu tiên khi biết sự hiện diện của con trong cơ thể mình, hãy nhớ về cảm giác vui mừng thấp thỏm như vừa nhận được một báu vật khi mang thai, hãy hồi tưởng lại cảm giác vô bờ khi con cất tiếng khóc chào đời, rồi dùng tất cả hân hoan, hạnh phúc và tình cảm trìu mến đó mà đối xử với con, nuôi dạy con”.
Như Hảo