Người thông minh giải quyết rắc rối dựa vào 3 nguyên tắc: Bình tĩnh, ứng biến khôn ngoan và Buông tay đúng lúc

30/12/2019 10:20
Người thông minh giải quyết rắc rối dựa vào 3 nguyên tắc: Bình tĩnh, ứng biến khôn ngoan và Buông tay đúng lúc

Cổ nhân có câu: "Tâm để vô tư thiên địa khoan, tư tâm điền hung thốn bộ nan", tức là với một người vô tư, trời đất sẽ trở nên rộng rãi vô cùng; với một người ích kỷ, thì mỗi bước đi đều thật nặng nề.

Bình Tĩnh, Rẽ Hướng, Buông Tay - Ba từ trên có vẻ đơn giản, nhưng chúng hàm chứa sự thông thái nhiều người mất cả đời mới lĩnh ngộ, tỉnh thức. Khi một người thông minh gặp rắc rối, sẽ hiểu cách giải quyết dựa trên ba quy tắc này.

1. Có một loại trí thông minh được gọi là Bình Tĩnh

Có câu chuyện về ấm trà tím như thế này: Một người được tặng một ấm trà tím quý giá, anh ta rất nâng niu món quà. Sợ mất trộm, anh ta đặt nó lên trên đầu giường mỗi khi đi ngủ.

Một lần đang ngủ, anh ta trở mình, quơ tay làm rơi ấm trà xuống giường, còn cái nắp ấm văng xuống đất. Nửa đêm tỉnh dậy chỉ thấy ấm mà chẳng thấy nắp đâu, anh ta thất vọng vô cùng, buồn rầu nghĩ: "Nắp ấm rơi xuống đã bị vỡ, vậy còn giữ ấm trà này làm gì nữa?". Thế là anh nhặt ấm trà trên giường và ném nó ra ngoài cửa sổ, rồi lại ngủ thiếp đi.

Sáng ra, anh mới phát hiện, hóa ra nắp ấm vẫn còn nguyên vẹn trên đôi giày bông bên cạnh giường. Người đàn ông này đã rất bực mình và hối hận: "Ấm trà tím đã bị ném ra khỏi cửa sổ đêm qua, giờ để lại một cái nắp thì làm gì?". Anh ta tức giận quá, đập vỡ luôn cái nắp ấm!

Sau khi ăn sáng, người đàn ông vác cái cuốc định đi ra đồng, nhưng khi anh ta ngước mắt lên, ngạc nhiên làm sao! Cái ấm trà tím đang treo lơ lửng trên cành cây bên ngoài cửa sổ…

Ngồi nghĩ lại, ai trong chúng ta chưa từng thấy "ấm trà treo trên cây" trong đời? Nhiều khi, chúng ta gặp phải một vấn đề nhỏ, liền mất bình tĩnh, không phân rõ trắng đen và thậm chí đưa ra quyết định bốc đồng, sau đó mới hối hận khôn nguôi, thật đáng tiếc.

Trong cuộc sống, chúng ta gặp không ít những người khi gặp chuyện bất bình, không vừa ý liền tức giận, có chuyện nhỏ cũng xé ra to, nổi trận lôi đình bừng bừng như Hoả Diệm Sơn. Người xưa dạy: "Nổi giận là bản năng, kiểm soát nóng giận là bản lĩnh". Con người khi nóng giận sẽ không có lý trí, nói những lời làm tổn thương người khác, nhẹ thì làm tổn thương hòa khí hai bên, nặng thì sẽ tự chuốc lấy bất hạnh cho bản thân mình. Khi những cảm xúc tồi tệ bùng phát, đừng nóng vội đưa ra quyết định, hãy cho bản thân cơ hội bình tĩnh suy nghĩ, đối phó với vấn đề.

Với những người khi đối diện với mọi vấn đề đều ung dung bình tĩnh đối diện, dù trải qua sóng to gió lớn tới đâu, bất kể gặp phải người giả dối tiểu nhân xấu xa như thế nào, đều luôn mỉm cười điềm tĩnh đối diện, gặp khó khăn đều tìm cách khắc phục... Đó mới là những người thật sự bản lĩnh. 

Nên rằng, càng trong trường hợp khẩn cấp, bạn càng nên suy nghĩ chậm lại và kỹ càng hơn. Khi một người thông minh gặp rắc rối, anh ta sẽ giữ được sự bình tĩnh, xem nhẹ những mâu thuẫn, gạt bỏ sự giận dữ và đối phó một cách bình thản. Đây không chỉ là biểu hiện của một tính cách trưởng thành và điềm tĩnh, mà còn là một trí tuệ tuyệt vời.

Hãy nhớ, bạn càng kiên nhẫn, bình tĩnh bao nhiêu, những điều phải hối tiếc sẽ càng ít đi bấy nhiêu. Khi bạn có thể thoát khỏi sự chi phối của cảm xúc và bình tĩnh suy xét, bạn thực sự trưởng thành.

Người thông minh giải quyết rắc rối dựa vào 3 nguyên tắc: Sử dụng trí thông minh gọi là Bình Tĩnh, ứng biến khôn ngoan là Rẽ Hướng và đỉnh cao thức thời là Buông Tay đúng lúc - Ảnh 1.

2. Rẽ Hướng - sự ứng biến linh hoạt của người khôn ngoan 

Một vị hòa thượng và chú tiểu cùng nhau xuống núi. Trên đường đi, vị hòa thượng hỏi: "Nếu trong trường hợp tiến một bước con sẽ chết và lùi một bước cũng chết, con sẽ làm gì?".

Chú tiểu trả lời không do dự: "Con sẽ đi sang một bên".

"Đi sang một bên", câu trả lời thật thông minh. Có thể tất cả mọi người đều hiểu, nhưng khi gặp vấn đề trong cuộc sống, rất ít người nhận ra nó.

Nhiều bạn trẻ chỉ vì trượt trong kỳ thi đại học, mà nghĩ rằng vậy là xong rồi, từ đó tự chối bỏ những cơ hội tuyệt vời khác.

Có người kinh doanh thất bại, cách nghĩ không thông, không có can đảm và quyết tâm để làm lại.

Khi phải đối mặt với một tình huống khó khăn, một số người sẽ chỉ phàn nàn về sự bất công của số phận và những thăng trầm của cuộc sống. Trong thực tế, mọi thứ không tồi tệ như vậy. Cuộc sống không bao giờ là một chiều. Xoay sang một góc là sẽ có chìa khóa để mở ra cánh cửa mới.

Có người nói rằng, có hai cách tuyệt vời để chiến thắng trong cuộc sống. Một là tiến về phía trước, và hai là rẽ sang một hướng khác. Đi về phía trước đòi hỏi sự can đảm, và rẽ sang bên đòi hỏi sự khôn ngoan.

Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đều từng được nghe những câu như: "không bao giờ bỏ cuộc", "đi đến cuối con đường", nhưng đôi khi, chúng ta cần học cách từ bỏ đúng lúc, từ bỏ người không phù hợp, từ bỏ những thứ làm tiêu hao năng lượng của chúng ta và từ bỏ hướng đi sai.

Những điều tốt, hãy để chúng đến tự nhiên, bạn chỉ cần làm việc bằng cả trái tim, tâm huyết. Những điều tồi tệ, hãy học cách không để tâm. Như vậy, thân cảm thấy nhẹ nhàng, và tâm cũng thoải mái. Khi đã cố gắng mãi mà không thuận lợi, hãy thay đổi một vài lần nữa xem sao.

Người thông minh, ngoài nhiệt huyết và dũng khí, còn cần biết một điều quan trọng nữa là sự xoay chuyển tình thế bằng trí tuệ. "Sai một ly đi một dặm", người đã sai từ đầu mà không biết điều chỉnh phương hướng, đi càng nhanh, lại càng cách xa thành công. Cách tốt nhất là vừa đi, vừa khám phá trong lúc di chuyển. Đây cũng là năng lực cần học hỏi.

Người thông minh giải quyết rắc rối dựa vào 3 nguyên tắc: Sử dụng trí thông minh gọi là Bình Tĩnh, ứng biến khôn ngoan là Rẽ Hướng và đỉnh cao thức thời là Buông Tay đúng lúc - Ảnh 2.

3. Buông Tay đúng lúc - trí tuệ của kẻ thức thời 

Chính là, đối với những việc đã qua, không hoài niệm; đối với người đã rời xa, không vương vấn; đối với việc không thể làm, không đổ lỗi; không lưu luyến về những thứ không có được.

Chấp nhất là sự dính mắc của con người vào một thứ gì đó và sợ hãi mất đi nó. Buông bỏ chấp nhất chính là bàng quan, buông bỏ hết thảy. Buông bỏ được chấp nhất con người sẽ trở nên bình thản vô cùng. Đây là một trạng thái siêu việt ngôn ngữ.

Buông, là một loại trí tuệ của cuộc đời

Buông, là một loại thản nhiên, không phải là vứt bỏ, bỏ cuộc

Buông, là một loại rộng lượng, là một loại triệt ngộ (hiểu biết hoàn toàn).

Chỉ có buông bỏ, không bị chi phối bởi điều gì bạn mới nắm bắt được niềm vui, niềm hạnh phúc thực sự của bản thân mình!

Cuộc sống là vô thường và mọi thứ thật khó để phán xét. Nếu chúng ta cứ chìm đắm một cách mù quáng trong quá khứ, xoáy vào những nỗi đau của quá khứ, không thể nghĩ về hiện tại và tương lai, thì sẽ mang đến quá nhiều tổn thương cho cả tâm hồn và thân thể. Phải hiểu rằng, có nhiều việc không phải cứ lưu luyến và hối tiếc thì mọi thứ sẽ trở lại. Biết rằng điều này là rất khó, nhưng bạn phải hiểu rằng điều ở thực tại mới là điều bạn đang có. Đừng mê hoặc chính mình, cuộc đời là một hành trình đi về phía trước chứ không phải là một điểm kết thúc.

Cổ nhân có câu: "Tâm để vô tư thiên địa khoan, tư tâm điền hung thốn bộ nan", tức là với một người vô tư, trời đất sẽ trở nên rộng rãi vô cùng; với một người ích kỷ, thì mỗi bước đi đều thật nặng nề.

Khoan dung là một loại mỹ đức. Khoan dung người khác thực ra cũng là mở rộng con đường cho chính bản thân mình. Người biết khoan dung là người không lo được mất, hơn thua. Người như thế mới có thể thãn đãng mà đối đãi với tât cả hỉ, nộ, ái, ố của con người. Một người có tấm lòng rộng lượng mới chất chứa được vạn vật, mới có thể thành tựu được sự nghiệp và sống khoái hoạt, hạnh phúc.

Người thông minh giải quyết rắc rối dựa vào 3 nguyên tắc: Sử dụng trí thông minh gọi là Bình Tĩnh, ứng biến khôn ngoan là Rẽ Hướng và đỉnh cao thức thời là Buông Tay đúng lúc - Ảnh 3.

Trong cuộc sống, mỗi người đều có những mệt mỏi do người khác mang đến và cũng có những mệt mỏi do chính bản thân mình tạo ra. Tuy nhiên, có người sẽ bị chìm đắm trong đó nhưng có người lại thoát được ra, chỉ là khác biệt ở chỗ người đó có thể điều chỉnh được tâm thái của mình hay không, có thể buông bỏ xuống được hay không mà thôi.

Rất nhiều khi, người ta khăng khăng nắm giữ cho được những gì nên buông bỏ và cuối cùng tạo thành nỗi thống khổ cho bản thân mình. Nhưng cũng có rất nhiều khi, buông bỏ không phải là mất đi mà lại là nhận được nhiều hơn.

Nếu nắm giữ mà không hạnh phúc, không vui vẻ thì chi bằng hãy buông tay? Nếu luyến tiếc, không buông bỏ xuống được thì chấp nhận thống khổ. Điều nhân sinh nuối tiếc nhất là dễ dàng buông bỏ những gì nên giữ, khăng khăng giữ lại những gì nên buông bỏ.

Buông bỏ là một loại giải thoát cũng là một loại ngộ đạo. Buông bỏ còn là sự lựa chọn của tâm tính, đồng thời là trí tuệ của nhân sinh. Đời người học được buông bỏ mới có thể giảm bớt được thống khổ và thực sự hạnh phúc

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024