Tuần trước, tôi tham gia buổi họp lớp đông đủ nhất trong suốt 20 năm, cả lớp 51 người, 32 người tới.
20 năm đã trôi qua, ai cũng đã thay đổi, một người một cuộc đời, nhưng sự khác biệt, chỉ cần nhìn một phát là thấy được ngay. Buổi họp lớp lần này khiến tôi nhận ra 5 chân tướng.
Ngày tốt nghiệp, người thì học tiếp, người thì cạnh tranh vào các doanh nghiệp lớn, dường như trên thế giới chỉ có hai con đường hoàng kim như vậy cho những "con cừu non" mới bước ra xã hội.
Khi ấy, H. nói muốn đi làm nhân viên cho một cửa hàng điện máy.
Chúng tôi phần lớn mọi người khi ấy đều lắc đầu, làm nhân viên bán hàng thì làm sao mà "ngóc lên được".
Vài năm sau, cậu ấy nói mình đã mở được một cửa hàng và là một ông chủ nhỏ.
Lại thêm vài năm nữa, cậu ấy mở một siêu thị nhỏ.
Lại qua vài năm nữa, nó đã phát triển thành chuỗi cửa hàng quy mô lớn.
Cô bạn N. thì nghe theo sự sắp đặt của ba mẹ, vào làm cho một doanh nghiệp nhà nước lớn, làm công việc hành chính được cho là phù hợp với phụ nữ nhất lúc bấy giờ.
Sau 3 năm nghe theo phụ huynh, N. dấu ba mẹ làm đơn xin đi du học ở Pháp, học về kiến trúc.
Đợi tới khi mọi thủ tục đã xong xuôi hết, cậu ấy mới nói với ba mẹ.
Kể từ sau đó, cậu ấy không còn cần phải quần đen áo trắng ngồi trong văn phòng điều hòa mát mẻ mỗi ngày.
Cũng chính lúc mà chúng tôi "phong" cậu ấu làm hình mẫu lý tưởng của phụ nữ mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm thời hiện đại, thì cậu ấy lại quay sang kết hôn, sinh con, quay về với cuộc sống gia đình.
Hiện tại, N. thường xuyên đăng tải một số búp bê handmade cho con gái mình trên trang cá nhân, thu hút hơn 100.000 người theo dõi, nữ kiến trúc sư của trước đây giờ cũng đã nằm trong hàng ngũ những người nổi tiếng trên Internet.
Bạn xem, thì ra, cuộc đời không chỉ có một phương hướng.
Trong số những người bạn học, có người làm cho doanh nghiệp nước ngoài, có người thi công chức, dù mỗi người một lựa chọn khác xa nhau, nhưng cho tới ngày hôm nay, mọi người ai cũng vui vẻ với những lựa chọn đó của mình.
Bọn trẻ cùng một lớp, mỗi đứa một đường, chuyên tâm sống cho tốt cuộc sống của chính mình.
Không có cuộc đời của ai là đáng để ngưỡng mộ 100%, cũng không có cuộc sống của ai đáng bị xem thường.
Suy cho cùng, đường của mỗi người, cần phải tự mình bước đi, bạn có thể sống kiểu hoang dã, tự do tự tại tiêu diêu khắp nơi, bạn cũng có thể nghiêm túc làm việc, lựa chọn cuộc sống ổn định.
Con đường đến với hạnh phúc là muôn hình vạn trạng.
Stefan Zweig có một câu nói kinh điển như này: "Mọi món quà mà vận mệnh ban tặng, đều đã âm thầm được định giá."
Cái giá của những món quà của số phận đều được ẩn giấu trong những mặt tối của cuộc sống, những nơi mà nhất thời chúng ta chưa nhìn thấy được. Chỉ khi đứng ở góc ngoặt, nó mới trở nên rõ ràng hơn.
G. từng là bạn học mà tất cả các bạn nữ lớp tôi đều ngưỡng mộ. Sau khi tốt nghiệp, G. vào làm ở đơn vị ba mẹ đang làm, lại còn trở thành con dâu của một vị lãnh đạo chủ chốt.
Khi những người khác đang vất vả ôn thi học tiếp lên nghiên cứu sinh thì G. lại thoải mái đi spa làm đẹp. Khi những người khác tất bật sáng đi sớm tối về khuya thì G. ở trong biệt thư không lo nắng lo mưa. Cô bạn ấy từng là "con nhà người ta" trong mắt rất nhiều bậc phụ huynh.
Nhưng, vận mệnh lại rất thích trêu người con người. Thời thế thay đổi, mẹ chồng nghỉ hưu, đơn vị cải cách, tên của G. nằm trong danh sách điều chỉnh nhân sự. Lúc cô ấy suy sụp, cần người dựa dẫm nhất thì lại phát hiện chồng có tiểu tam.
Trong một cuốn sách mang tên "Sự trỗi dậy của một cá thể" có một cái gọi là "định luật bảo toàn đau khổ": Cuộc đời mỗi người đều sẽ phải trải qua một lượng đau khổ nhất định, nó không tự nhiên mất đi mà cũng không tự nhiên sinh ra.
Thay vào đó, nó sẽ chuyển từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, hoặc biến từ hình thức này sang hình thức khác. Thời gian không bao giờ trôi qua êm đềm, thế sự cũng không có cái gọi là ổn định mãi mãi. Cuộc sống thực ra công bằng tới tàn nhẫn, thứ may mắn mà bạn tưởng là ông trời ban cho mình, chẳng qua cũng chỉ là món nợ cho tương lai.
Thế giới này tự có quy luật vận hành của nó, đừng dễ dàng thấu chi khi bạn không đủ khả năng chi trả. Bạn biết đấy, phần thưởng thực sự trong cuộc sống là do chính bạn trao tặng cho mình.
Lần tụ họp này, H. chia sẻ: "Ai chả lần đầu làm người, có ai là không bám vào đá để qua sông? Nhiều khi, phía trước trông thì đen ngòm, bạn lo lắng sẽ không có đường ra, thực ra, chỉ cần bạn dám đi, nhất định sẽ có đường ra."
Trong tâm lý học một cụm từ gọi là "nguyên tắc qua đường". Đèn cảm biến ở các lối đi thường bị tắt, chúng chỉ sáng lên ai đó đi bộ đến vị trí tương ứng nào đó. Cũng giống như chúng ta trong cuộc sống vậy. Nếu bạn sợ hãi, lùi bước, vậy thì bạn mãi mãi sẽ không thể vượt qua được bóng tối.
Cắn răng, bước về phía trước một bước, rồi lại một bước, rất nhanh thôi, rồi bạn sẽ nhìn thấy được ánh sáng.
Câu chuyện của G. vẫn tiếp tục. Sau khi mọi bất hạnh đổ xuống, cô ấy bắt đầu ra ngoài xin việc, tới một công ty nhỏ, làm từ cấp nhân viên thấp nhất làm lên. Khi mới bắt đầu, công việc chưa thành thạo, cô ấy thường xuyên phải mang một đống tài liệu về nhà, buổi tối sau khi dỗ con ngủ xong lại tiếp tục làm.
Sau đó, cậu ấy có gọi điện hỏi tôi một vài chuyên môn về quản lý nhân sự. Thì ra, lãnh đạo thấy cậu ấy làm việc chăm chỉ nên dần dần thăng chức cho cậu ấy, lương cũng được tăng.
Có người từng nói: "Nửa đời sau của mỗi người, kẻ địch duy nhất là chính mình." Ngẫm lại 20 năm qua, tôi phát hiện ra, nửa đời trước, đối thủ của chúng ta thực ra cũng vẫn là chính mình. Có thể giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, suy cho cùng cũng vẫn là sức mạnh ý chí của chính chúng ta, chứ không phải cái thế giới huyên náo bên ngoài kia. Chúng ta không thể đoán trước được tương lai sẽ ra sao, luôn sẽ có những điều ngoài ý muốn khiến chúng ta trở tay không kịp.
Nếu đã không thể cản nổi, vậy thì hãy tiếp nhận nó rồi sau đó nhanh chóng khắc phục và thay đổi. Mưa đã có ô, không có mũ có ô thì tìm lấy chỗ nào mà trú, nếu chỗ trú cũng không tìm thấy vậy thì cố gắng mà chạy cho thật nhanh. Cái gì đến cũng sẽ đến, đến rồi thì bình thản tiếp nhận nó, đừng sợ hãi trước tương lai.
Cuộc đời vốn dĩ là ngàn cái khó qua đi rồi lại đến vạn cái khó, nhưng hãy cố gắng vượt qua, có vậy thì ngày mai mới có chuyện để mà hồi tưởng lại chứ.
Bạn học Q. là phó giáo sư của một trường đại học, con trai đang học trường điểm trong thành phố, chuẩn bị thi lấy học bổng ra nước ngoài du học.
Lúc ăn cơm, tôi có hỏi cậu ấy làm sao để bồi dưỡng tiếng anh cho con cái. Cô ấy nói, thực ra mình cũng không làm gì nhiều cả. Năm con đang học lớp 4, cậu ấy được cử đi Mỹ bồi dưỡng một năm. Khoảng thời gian ở Mỹ, cậu ấy thường xuyên gọi video với con trai, dần dần, con trai ngày càng hứng thú với thế giới phương Tây. Một ngày nọ, cậu bé tuyên bố với mẹ: "Sau này con muốn tới Mỹ du học, giống như mẹ vậy."
TV series mang tên "7 up" phát trên đài BBC, có một câu hỏi đặt ra như này: Cha mẹ sẽ quyết định tương lai của con cái ư?
Đoàn làm phim đã chọn 14 đứa trẻ thuộc các tầng lớp khác nhau, để ghi lại cuộc đời của chúng cứ sau 7 năm, từ 7 tới 56 tuổi.
Trẻ em từ các gia đình ưu tú đọc Financial Times với cha mẹ của chúng từ khi còn nhỏ. Chúng hiểu cơ chế cạnh tranh trong xã hội, biết các quy tắc "đánh quái vật và nâng cấp", cũng như biết cách lập kế hoạch chi tiết cho cuộc sống của mình. Sau khi trưởng thành, chúng đăng ký vào các trường đại học hàng đầu, sau khi tốt nghiệp, chúng vào làm việc ở các vị trí cao. Con cái của họ cũng tiếp tục cuộc sống như vậy, tiếp nhận nền giáo dục ưu tú, đảm nhiệm nhưng công việc mà người khác ngưỡng mộ.
Còn con cái của những gia đình ở tầng lớp thấp hơn, đến hai chữ "đại học" chúng cũng chưa từng nghe qua. Con trai thì thích đánh nhau, con gái thì luôn cho rằng kết hôn sinh con là đích đến cuối cùng của mình. Sau khi trưởng thành, họ dường như tiếp nối cuộc sống của chính cha mẹ mình trước đó. Và con cái của họ sau này, cũng tiếp tục cái vòng tuần hoàn ấy.
BBC dùng 49 năm đi theo để ghi lại, và họ nói với chúng ta một sự thật rằng: "Nếu cuộc đời là một đường chạy tiếp sức, vậy thì cha mẹ chính là vạch xuất phát của con cái. Cha mẹ chạy được càng xa, thì con cái càng gần với vạch đích."
Lúc bữa liên hoan kết thúc, khi đi lấy xe, tôi thấy K. đang dắt chiếc xe đạp đi ra ngoài. Tôi rất kinh ngạc. Gia cảnh của K. không tồi, làm cho công ty khá nổi tiếng trong nước, thu nhập không hề ít ỏi. Không ngờ cậu ấy lại không đi ô tô tới, cảm giác không được hợp với tầng lớp tinh anh cho lắm.
Cậu ấy cười vẫy chào tôi, nói nhà cách nhà hàng này không xa, đoạn đường này lại hay tắc nên đạp xe đạp cho chắc, với lại cũng xem như rèn luyện sức khỏe, một mũi tên trúng hai đích. Điều này làm tôi nhớ tới một đoạn tin tức từng đọc được, một người phụ nữ đã thuê một chiếc Mercedes-Benz để tham gia họp lớp.
Bất ngờ trời mưa, nước đọng trên đường khiến chiếc Mercedes-Benz bị ngập nước và chết máy. Sau khi vụ việc xảy ra, đại lý xe đã yêu cầu bồi thường một số tiền kha khá.
Tác giả Alain de Botton trong cuốn "Status Anxiety" đã viết: "Mỗi người trong chúng ta đều sợ đánh mất địa vị của mình, bởi vì nó là thứ quyết định sự nồng ấm trong tình cảm và đối xử giữa người với người".
Nhịp sống hối hả, nghề nghiệp cao thấp, thu nhập ít nhiều, hôn nhân bi hoan, con cái giỏi dốt… không có cái nào không khuấy động hệ thần kinh suy nghĩ của chúng ta. Để đáp ứng các tiêu chuẩn của xã hội này, chúng ta luôn tự đẩy mình vào trò chơi phấn đấu, phấn đấu để sống tốt hơn hàng xóm, nổi tiếng hơn bạn bè cùng trang lứa và có nhiều tiền hơn người thân của mình.
Trên thực tế, cuộc sống ra sao, tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn đối mặt với nó.
Nếu trời cao mây xanh, cuộc đời tự nhiên có nắng.
Cũng giống như câu nói: Thế giới là của mình và nó không liên quan gì đến người khác. Sống ở đời, có lẽ bạn đã nhìn thấy không ít vạn vật chúng sinh, nhưng quan trọng hơn là phải nhìn thấy chính mình. Chỉ khi sống một cách bình thản, vứt bỏ những cái "gỉa tạo" trong cuộc sống, sống thật với chính mình, bạn mới tự tại và viên mãn.
Người sống thật, sống tự tại, mới là người hạnh phúc và bình thản nhất.
Theo Trí Thức Trẻ