Trong cuộc đời của mình, Đức Phật đã đặt chân đến rất nhiều nơi, vừa để tìm hiểu cuộc sống của dân chúng, vừa để giúp con người đi theo con đường bát chính đạo, tự giải thoát cho mình khỏi những phiền não trong cuộc sống. Trong những chuyến đi như vậy, Ngài thường dừng lại ở mỗi nơi một vài ngày, rồi lại tiếp tục lên đường.
Có một lần, trên hành trình của mình, Ngài đã ghé thăm một ngôi làng và quyết định dừng lại ở đây để nghỉ ngơi ít hôm.
Chẳng mấy chốc, dân làng đã biết được tin tức quan trọng này, và thi nhau kéo đến để được gặp gỡ Ngài, được Ngài chúc phúc cũng như nhờ giải đáp những vấn đề mà họ còn vướng mắc trong cuộc sống.
Một hôm, có một cô gái trẻ đẹp tìm tới gặp Đức Phật. Vừa nhìn thấy Ngài, thấy Đức Phật có vẻ ngoài thật xuất chúng, không giống bất cứ một người tu hành nào cô đã từng gặp, cô gái đã rất bất ngờ. Không kìm được, cô gái đã hỏi ngay, "Trông Ngài giống như một Hoàng tử vậy. Ngài có thể cho tôi biết tại sao Ngài lại mặc áo của người tu hành khi mà tuổi đời vẫn còn trẻ vậy không?".
Cô gái rất ngưỡng mộ Đức Phật và muốn mời Ngài về nhà dùng cơm. (Ảnh minh họa)
Đức Phật đáp: "Ta đã rời bỏ ngôi vị của mình để đi tìm những lời giải cho các vấn đề trong cuộc sống. Cơ thể này có thể trẻ trung và hấp dẫn, nhưng chẳng bao lâu nữa, nó cũng sẽ già đi, và cái chết sẽ đến như một điều tất yếu. Ta phải đi tìm nguyên nhân của tuổi già, bệnh tật và cái chết".
Nghe Đức Phật nói, cô gái như bừng tỉnh, cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ người đang ngồi trước mặt mình, muốn có nhiều cơ hội được nói chuyện để thấu hiểu thêm những chân lý của cuộc đời. Chính vì vậy, cô đã mời Đức Phật về nhà dùng bữa với mình và được Đức Phật đồng ý.
Không mất nhiều thời gian để tin tức này lan ra cả ngôi làng. Sau khi biết được chúng, nhiều người đã tới gặp Trưởng làng, yêu cầu ông phải cùng họ đi gặp Đức Phật để hỏi cho ra lẽ.
Dân làng hùng hổ kéo đến khuyên Đức Phật không nên tới nhà cô gái. (Ảnh minh họa)
Khi đến nơi, họ hùng hổ tiến vào nơi ở của Đức Phật, chưa hỏi rõ đầu đuôi, tất cả đã cùng lên tiếng: "Thưa Đức Phật, Ngài là người cao quý, Ngài không nên đến nhà ả đàn bà đó để dùng cơm, vì ả ta là một người rất lẳng lơ".
Đức Phật hỏi Trưởng làng: "Ông có tin cô gái đó là người lẳng lơ không?".
Trưởng làng đáp: "Tôi xin thề trước Ngài rằng cô ta đúng là kẻ không ra gì, từng quyến rũ biết bao thanh niên trai tráng ở đây rồi. Vì thế, xin Ngài đừng đến nhà cô ta".
Đức Phật nghe thấy vậy, không tỏ thái độ gì, mà chỉ bình tĩnh cầm bàn tay phải của Trưởng làng, rồi bảo ông ta hãy vỗ tay đi.
Trưởng làng ngạc nhiên, hỏi lại: "Làm sao tôi vỗ tay được chứ? Ngài đang cầm một tay của tôi mà, làm sao tôi vỗ được với một bàn tay?".
Đến lúc này, Đức Phật mới vừa mỉm cười, vừa từ từ nói: "Nếu ông không thể vỗ tay chỉ với một bàn tay, thì làm sao cô gái kia có thể lẳng lơ, nếu đàn ông của cái làng này đều là những người đứng đắn?
Nếu họ là thực sự vững vàng thì dù cô ấy có muốn quyến rũ thế nào cũng không được. Chính vì thế, nếu cô ấy đúng là người lẳng lơ, thì đàn ông của cái làng này cũng phải chịu một phần trách nhiệm".
Nghe Đức Phật nói vậy, đột nhiên cả đám đông hùng hổ lúc trước đều đột nhiên đỏ bừng mặt, rồi không ai nói gì thêm nữa, im lặng bỏ về.
Lời bàn: Hiệu ứng đám đông, trong một bối cảnh tích cực, có thể mang lại những hiệu quả tuyệt vời. Thế nhưng, nếu trong một bối cảnh tiêu cực, hiệu ứng đám đông có thể giống như một quả bom, có thể giết chết, vùi dập một, thậm chí là nhiều con người cùng một lúc.
Trong cuốn Kinh Kalmatta, Đức Phật nói đừng quá tin điều gì chỉ vì người ta nói với bạn như thế, cũng đừng quá tin những lời đồn, lời phỏng đoán vì chúng có thể làm hại biết bao người vô tội.
Đứng trước mỗi một sự việc, cần bình tĩnh và tìm hiểu thật kỹ trước khi đưa ra kết luận để không làm hại người, cũng là không làm hại chính bản thân mình.
Theo Buddha Weekly - Tổ quốc