Bất chấp căn bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS) quái ác, Stephen Hawking đã vượt qua mọi khó khăn về mặt thể chất để trở thành một trong những bộ óc lỗi lạc nhất của ngành vật lý hiện đại. Những lý thuyết của ông về lỗ đen và vũ trụ đã có sức ảnh hưởng sâu sắc đến góc nhìn của chúng ta về mọi thứ xung quanh. Đóng góp to lớn của ông đã được chứng minh bằng chiếc ghế giáo sư Toán học Lucas tại Đại học Cambridge - vị trí trước đây từng thuộc về Isaac Newton và Paul Dirac.
Tuy nhiên, điều khiến cho Hawking trở nên đặc biệt so với những khoa học gia khác chính là ở chỗ ông đã truyền cảm hứng đam mê khoa học đến với hàng triệu người khác - những người mong muốn tìm hiểu về cách vận hành của vũ trụ nhưng lại không có đủ kiến thức cơ bản về vật lý thiên văn.
Trước 1988, Hawking hầu như chỉ nổi tiếng trong giới hàn lâm mặc dù ông đã là thành viên của Hoàng gia Anh với nhiều lý thuyết táo bạo về lỗ đen, thăng giáng lượng tử và bức xạ Hawking (phát xạ của lỗ đen). Mọi thứ đã hoàn toàn thay đổi sau khi Hawking cho ra đời Lược sử thời gian (tên gốc: A Brieft History of Time) - cuốn sách khoa học phổ thông được xuất bản bởi nhóm Xuất bản Bantam Dell. Lời đề tựa cho ấn bản đầu tiên do một người bạn của ông viết: Carl Sagan, vốn cũng là một nhà vật lý nổi tiếng với nhiều đầu sách và chương trình truyền hình phổ biến khoa học.
Hawking từng chia sẻ rằng ông đã ấp ủ dự án này từ năm 1983. Ông nghe theo lời khuyên của người bạn Simon Mitton là hạn chế sử dụng những công thức phức tạp vào cuốn sách nhằm tránh việc gây khó hiểu cho bạn đọc. Kết quả, Hawking chỉ mang vào Lược sử thời gian một công thức duy nhất nhưng lại là nền tảng cho mọi lý thuyết khoa học hiện đại: E = mc2 của Albert Einstein.
Trong Lược sử thời gian, Hawking đã giải thích nhiều khía cạnh của vũ trụ như lý thuyết Big Bang, lỗ đen, nón ánh sáng, nguyên lý bất định, du hành thời gian cũng như giới thiệu tiểu sử của ba nhà khoa học quá cố Albert Einstein, Galileo Galilei và Issac Newton. Mục đích của ông là cố gắng giúp cho độc giả phổ thông có thể vẽ nên bức tranh tổng quát về vũ trụ thông qua các lý thuyết sẵn có và lý giải một vài ý niệm toán học phức tạp. Chính vì thế, Lược sử thời gian của Hawking ban đầu được đánh giá là cuốn sách khoa học không dễ đọc, đặc biệt là đối với những người chưa hề biết đến cơ học lượng tử.
Trước đó, cuốn sách khoa học Vũ trụ (Cosmos - 1980) của Carl Sagan đã tẩu tán được hàng triệu bản trên toàn thế giới và xuất hiện trong danh sách best-sellers của Tạp chí New York Times. Cứ tưởng sẽ chẳng có thêm cuốn sách nào cùng thể loại có thể lập được kỷ lục tương tự. Ấy vậy mà Lược sử thời gian không những phá vỡ được thành tích của Vũ trụ mà còn tái lập nhiều kỷ lục khác về doanh thu.
Tính đến hiện tại, Lược sử thời gian đã bán được 10 triệu bản, xuất hiện trong danh sách best-seller của tờ London Sunday Times trong hơn 5 năm liên tục và được dịch ra 40 thứ tiếng trên toàn thế giới. Thành công này đã khiến cho Hawking phải bất ngờ và nhiều người khác ngỡ ngàng.
Trong lần tái bản thứ 2, Hawking đã đùa trong lời đề tựa của mình rằng ông cảm thấy cực kỳ ngạc nhiên khi biết cuốn sách khoa học của mình còn bán chạy hơn cuốn hồi ký Sex xuất bản năm 1992 của nữ hoàng nhạc Pop Madonna với nhiều tấm ảnh nude táo bạo. Thậm chí, nhà hát opera Metropolitan ở thành phố New York còn chuyển thể cuốn sách này thành một vở opera và trình diễn từ năm 2015-2016.
Bản Việt hóa của Lược sử thời gian do Cao Chi và Phạm Văn Thiều chuyển ngữ. Được phát hành thông qua NXB Trẻ, Lược sử thời gian đã tái bản đến lần thứ 15 tính đến năm 2017 (khoảng 2.000 bản mỗi lần in). Đây là một thành tích trước nay chưa từng có đối với một cuốn sách khoa học tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trên thực tế Lược sử thời gian vẫn là một cuốn sách khó đọc. Trong một cuộc bỏ phiếu trực tuyến, nhiều người đã bình chọn Lược sử thời gian là "quyển best-seller chưa đọc", tức là bán chạy và được nhiều người sở hữu nhưng lại ít ai hoàn thành hoặc hiểu hết được kiến thức mà nó truyền tải.
Ngày 14.3 vừa qua, giáo sư Hawking đã về cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương vô hạn của những người từng yêu mến và ngưỡng mộ ông. Đáng tiếc, ông đã không thể nhận giải Nobel như kỳ vọng từ nhiều năm nay. Mặc dù vậy, Lược sử thời gian cùng nhiều ấn phẩm khác của ông sẽ tiếp tục được tái bản và được nhiều thế hệ sau này biết đến. Cái ngọn lửa đam mê khoa học mà ông và Sagan đã góp phần truyền đi sẽ không bao giờ tắt.
Mai Thảo