Lò sát sinh số 5 được viết dựa trên những trải nghiệm của chính bản thân tác giả khi tham gia thế chiến thứ 2, đã mang lại danh tiếng cho Kurt Vonnegut, đưa ông lên thành một trong những nhà văn có sức ảnh hưởng nhất thế giới trong thế kỷ 20. Trong sự nghiệp sáng tác kéo dài suốt 50 năm của mình, ngoài Lò sát sinh số 5, Kurt Vonnegut đã xuất bản 14 tiểu thuyết, 3 tập truyện ngắn, 5 vở kịch và 5 tác phẩm phi hư cấu.
Với Lò sát sinh số 5, Kurt Vonnegut đưa người đọc lần theo cuộc đời của Billy Pilgrim – một lính Mỹ đi qua thế chiến thứ 2 rồi trở thành một bác sĩ đo thị lực trong thời bình. Những mảnh ghép cuộc đời của Billy dần dần hé lộ qua những cuộc du hành xuyên thời gian, dường như đột ngột xảy đến với anh một cách đầy ngẫu nhiên, tạo thành bức tranh thân phận con người trong một cuộc chiến tranh lố bịch và điên rồ với những chấn thương chỉ có thể được nói đến bằng giọng điệu báng bổ và cười cợt.
Lò sát sinh số 5 (Slaughterhouse-Five) được dựng thành tác phẩm điện ảnh vào năm 1972
Pha trộn giữa tự thuật và hư cấu, giữa phản chiến và khoa học viễn tưởng, giữa cảm giác hư vô và buồn cười nôn ruột, Lò sát sinh số 5 - tác phẩm được xem là lớn nhất của Kurt Vonnegut - là biên bản độc nhất vô nhị về Thế chiến thứ 2, nơi con người bị sự vô nghĩa nghiền nát. Xuất bản năm 1969, cuốn sách phản chiến đầy sức mạnh này đã sớm trở thành sách gối đầu giường của những người Mỹ phản đối chiến tranh Việt Nam lúc bấy giờ.
Lo sát sinh số 5 bản tiếng Việt do Nhã Nam ấn bản vào tháng 9.2019
Các chi tiết trong Lò sát sinh số 5 đến từ chính trải nghiệm của Vonnegut trong thế chiến thứ 2. Sau chiến tranh, với nỗ lực thấu hiểu hành vi con người, Vonnegut đã nghiên cứu một mảng lạ trong nhân chủng học: tạo hình câu chuyện. Để làm điều đó, ông phác thảo số phận nhân vật chính xuyên suốt toàn bộ câu chuyện. Những đường phác thảo kỳ lạ hé mở những điểm tương đồng trong cổ tích và thần thoại phổ biến trong nhiều nền văn hóa.
Vonnegut cho rằng những đường cong phác thảo đó phản ánh chân thật nhất cuộc sống, “nơi ta là kẻ ngốc đối mặt với hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên, không tài nào đoán nổi những tác động lâu dài của chúng”. Ông nhận thấy đường nét đẹp, gãy gọn trong nhiều câu chuyện mâu thuẫn với thực tế, và quyết định thử nghiệm may rủi bất định trong chính các tác phẩm của mình. Bên cạnh việc bỏ qua vận số rõ ràng, Vonnegut cũng bỏ qua trình tự thời gian. Thay vì viết theo mạch thời gian từ đầu đến cuối, trong tác phẩm của ông, "mọi khoảnh khắc từ quá khứ, hiện tại, đến tương lai luôn cùng tồn tại".
“Nhà văn có một không hai... một trong những tác gia đã phác ra chân trời cho chúng ta, người đặt tên cho những nơi chốn chúng ta tưởng đã biết rõ”, Doris Lessing - The New York Times Book Review
“Kurt Vonnegut là nhà văn hài hước đen tuyệt vời nhất của chúng ta” - The Atlantic Monthly
“Một người thầy thuốc, tạo ra những huyễn tưởng để cảnh báo thế giới” - The Charlotte Observer
“Kurt Vonnegut, nhà tiên tri cười cợt của sự diệt vong” - The New York Times
Kurt Vonnegut Jr. (1922-2007) được xem là một trong những nhà văn Mỹ có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20. Nổi tiếng với chất hài hước đầy báng bổ trong các tác phẩm của mình, Kurt Vonnegut khi còn sống được xem là một Mark Twain đương đại.
Tiểu Vũ