Lê Công Sơn chắt chiu thương nhớ quê nhà

20/09/2018 11:20
Lê Công Sơn chắt chiu thương nhớ quê nhà

Với bạn bè văn chương một thuở, việc Lê Công Sơn in sách hẳn là một tin mừng. Mừng cho tình yêu của bạn được sinh thành. Mừng cho văn chương vẫn có chỗ đứng trang trọng giữa thời buổi nhốn nháo này.

Như hầu hết các cây bút Văn khoa ngày ấy, hành trang vào đời là những bài thơ vụng về, những đoản văn chân thật. Lê Công Sơn cũng không ngoại lệ. Nhưng theo thời gian, khi bươn chải giữa dòng đời, con người ta dần trở nên thực dụng, những cảm xúc văn chương cũng rơi rụng dần. Có những cây bút, mà khi nhắc tên thì cũng chỉ là nhắc lại một “khung trời kỷ niệm”, chứ thực tại thì mất hút đâu rồi.

Lê Công Sơn cũng là cây bút trẻ của một thời. Nhưng may mắn hơn nhiều bạn bè, anh không “rụng cảm xúc” giữa dòng đời khắc nghiệt. Bằng một cách nào đó, Lê Công Sơn vẫn ủ lửa trong tim, xoay trở che chắn giông gió từ nhiều phía, để giữ mình không bị nguội lạnh. Và, đến hôm nay, Lê Công Sơn bất ngờ cho ra mắt tập sách đầu tay: Răng mà thương mà nhớ do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 9.2018.

Răng mà thương mà nhớ được cấu trúc làm ba phần chính: Tạp bút, Thơ và Truyện ngắn. Phần truyện ngắn là những sáng tác cũ trong giai đoạn tác giả còn cộng tác ở Báo Mực Tím. Phần thơ là những bài cũ và mới đan xen. Phần tạp bút, đa phần là những bài viết mới, tươi ròng và nồng nàn cảm xúc. Dường như khi viết tạp bút Lê Công Sơn được là chính mình nhất. Những câu chuyện rất thật với những cảm xúc rất thật khiến người đọc bị cuốn theo mà không cần phải có một chiêu trò gì. Cũng như không cần phải dụng công nhiều về câu chữ. Mà có gì cao siêu hay to tát đâu. Lê Công Sơn kể chuyện về quê mùa mưa đi thả lờ, kể chuyện vào quán cà phê nhà quê để được sống lại cảm xúc ấu thơ, kể chuyện về quê làm đường cùng bà con…

Vùng quê cằn Quế Sơn ấy, đối với Lê Công Sơn là một miền đất ruột thịt, là vương quốc của những cung bậc cảm xúc. Càng đi xa, anh càng quay quắt trở về. Trở về để tìm lại ấu thơ mình. Một đứa trẻ mồ côi cha từ tấm bé, sống với mẹ và em, cùng lam lũ ruộng vườn, nhưng không ngừng mơ ước những điều tốt đẹp. Trở về để nuôi nấng tình yêu của mình. Thật thú vị khi biết Lê Công Sơn, khi đã thành một nhà báo dày dạn, đã về chính quê mình để tìm yêu một nữ sinh hồn nhiên và dịu dàng. Và, trên mảnh đất quê trĩu tình ấy, họ đã nên duyên vợ chồng.

Tất cả những chuyện ấy, Lê Công Sơn trút hết vào trong cuốn sách này, như một kiểu “tự thú” hay là những tâm sự mộc mạc, chân thành. Tôi thích chất mộc mạc trong văn của Lê Công Sơn, đồng thời cũng khoái sự hài hước trong cách nhìn đời của tác giả. Nói một cách nào đó, Lê Công Sơn không phải là người nắn nót “làm văn”, mà chính cuộc đời anh dệt thành những trang văn đẹp mà anh nguyện dành cho quê hương Quế Sơn; dành cho vợ con, những người ruột thịt và bạn bè.  

Lê Công Sơn đã sống thật hào phóng với cuộc đời, nhưng lại vô cùng chắt chiu cảm xúc để hòa điệu cùng ta bằng ngôn từ mộc mạc, chân thành:

“Đưa tay vuốt vội mái đầu

Nhặt thời gian… sợi tóc sâu, giật mình”

Nhà văn Trần Nhã Thụy

Tuổi thơ, quê nhà, gia đình…luôn bàng bạc trong các sáng tác của Lê Công Sơn. Anh viết như “rút ruột” lòng mình với một tình yêu, thương nhớ nơi đã sinh ra thật sâu đậm và dạt dào cảm xúc. Những con chữ nhẹ nhàng, đơn giản như lời thủ thỉ, tâm sự của tác giả, mà chính nó đã biết tự rung lên cung bậc để đi tới trái tim, tìm đến sự đồng cảm của độc giả. Ngay cả cách đặt tựa cho tác phẩm này, tôi cho rằng cũng đã nói lên “chất xứ Quảng” nồng ấm, luôn đau đáu nghĩ về quê hương ở anh.

Đọc tạp bút Răng mà thương mà nhớ, tôi thấy có bóng dáng của mình ở đó với tình Mẹ cha bao la thẳm sâu như nguồn cội, sự hiếu thảo của những đứa con và trên hết là cái nghĩa, cái tình luôn biết vì nhau trong cuộc đời này. 

Nhà thơ Trương Nam Hương

Lê Công Sơn - Ảnh: Giản Thanh Sơn

Quê nhà của tôi trước mặt là núi non xanh mướt tầm mắt, phía sau có dòng sông nhỏ êm ả, hiền hòa quanh năm. Những buổi trưa trên đưởng đến trường, cả đám trẻ tranh thủ loi nhoi ngụp lặn trong dòng nước trong veo, mát rượi. Cứ tưởng mọi kỷ niệm xa ngái của thời đi học: bắn bi, đánh lộn, tắm sông, mót khoai, sợ ma…cùng biết bao trò chơi trong không gian thoáng đãng của đêm trăng quê hương sẽ không bao giờ còn được gặp lại nữa. Thời gian và công việc ở phố như dòng thác cuốn trôi tuổi thơ của tôi lạc mất lúc nào không biết, chỉ còn lại đây đó nỗi nhớ thương ray rứt khôn nguôi mỗi lúc đêm về. Vậy mà...

Những trang viết về một thời đèn sách, rung động đầu đời của tuổi mới lớn và thẳm sâu hơn cả nơi ấy là tình cảm gia đình… bỗng nhiên ùa về, từng con chữ như thao thức với thời gian để mỗi khi đọc lại cứ thấy lòng rưng rưng.

Răng mà thương mà nhớ là cảm xúc rất thật, trong đó đa phần các câu chuyện đều xảy ra từ cuộc sống hàng ngày cùng bao trăn trở, suy nghĩ…chỉ mong sao chạm đến được một phần nào trái tim luôn bao dung và sự đồng điệu của độc giả để chúng ta cùng nhau hoài niệm và hồi bồi tìm lại những…ngày xưa.

Lê Công Sơn


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 5, 21/11/2024