Làm sao một người nào đó có thể mang đến cho ta niềm vui được. Chỉ tự mỗi người mới chọn lựa nỗi đau hay niềm vui. Hạnh phúc hay bất hạnh là do chính chúng ta.
Nhưng có lẽ hầu hết mọi người đều khó chấp nhận sự thật là: Nỗi đau khổ không đến từ bên ngoài mà ở trong hành động của mỗi người.
Chắc là ai đó đã gây cho tôi đau khổ chứ không phải tôi. Người chồng sẽ nghĩ rằng chính vợ mình đã mang đến đau khổ cho anh ta. Và ngược lại, người vợ cho rằng nỗi bất hạnh của mình xuất phát từ người chồng. Những đứa trẻ buồn phiền đổ lỗi cho bố mẹ chúng. Đó là một phức cảm.
Một khi cứ khăng khăng nghĩ rằng người khác đã làm cho mình đau khổ thì chúng ta đã đánh mất tự do của chính mình. Trách nhiệm và tự do là hai mặt của một đồng xu.
Chúng ta đã đẩy trách nhiệm giải quyết nỗi khổ của mình cho người khác nên chúng ta chấp nhận rằng niềm vui của chúng ta là do người khác mang lại. Chúng ta không có trách nhiệm trong nỗi khổ của mình, và cũng chẳng dính dáng gì đến hạnh phúc của mình. Vậy vai trò của chúng ta ở đâu? Mục đích của chúng ta là gì? – chẳng lẽ chỉ là tiêu điểm cho một số người đày đọa hay cứu giúp và ban hạnh phúc cho chúng ta sao? Chúng ta chỉ là con rối mà mọi sợi dây cử động đều do bàn tay của người khác điều khiển sao? Một khi cứ khăng khăng nghĩ rằng người khác đã làm cho mình đau khổ thì chúng ta đã đánh mất tự do của chính mình. Trách nhiệm và tự do là hai mặt của một đồng xu.
Nếu không trân trọng những phẩm chất đặc biệt của con người, chúng ta cũng sẽ không trân trọng chính mình.
Khi đó, chúng ta cũng chẳng có chút tình yêu nào với cuộc sống của mình, với tự do quý giá.
Nếu trân trọng cuộc sống của mình, ta sẽ từ chối mọi sự cứu giúp.
Có lẽ đây là cách mà con người cần phải học: thất bại rồi hãy đứng lên, lạc đường rồi thì hãy tìm cách quay trở lại.
Mỗi lần sai lầm là mỗi lần chúng ta sáng suốt hơn để không sai thêm nữa. Nếu vẫn tiếp tục sai tức là ta chẳng học được gì. Khi ấy, ta hành động như cái máy không chút nghĩ suy.
Mọi cố gắng của tôi là đưa mỗi người trở về với lòng tự trọng cần thiết. Bạn sẽ thấy những điều tôi chia sẻ là ngớ ngẩn nếu như bạn chưa thực sự sẵn sàng chấp nhận nỗi khổ tâm của mình, chưa sẵn sàng chịu trách nhiệm mọi đau thương.
Từ đó, bạn sẽ thấy sự phiền não không đến một cách đơn giản. Nó có thể là tính đố kỵ, sự giận dữ, lòng tham…, nhưng điều chắc chắn là chính chúng đã tạo ra nỗi đớn đau cho mình.
Bạn đã nhìn thấy ai trên thế giới này có thể làm cho một người nào đó trở nên hạnh phúc chưa? Hạnh phúc thực sự lệ thuộc vào chính chúng ta, không ai mang nó đến cho chúng ta. Hạnh phúc đến từ sự im lặng nhẫn nại, từ tình yêu, từ sự bình an và từ niềm tin mà bạn có.
Người Tây Tạng kể lại một huyền tích đẹp về Marpa.
Có thể câu chuyện ấy không có thật nhưng ý nghĩa lớn lao của nó vẫn là điều làm chúng ta suy nghĩ. Điều quan trọng nhất là ý nghĩa của nó chứ không phải tính thực hư của câu chuyện.
Marpa nghe nói về một vị đạo sư. Ông tìm gặp người thầy của mình, đi bên cạnh thầy với niềm hân hoan và thái độ hoàn toàn tin tưởng. Ông hỏi: “Bây giờ thầy muốn con sẽ làm gì thưa thầy?”.
Vị đạo sư trả lời: “Một khi con đã đi cùng ta, con không cần phải làm gì cả. Chỉ cần tin vào ta. Tên của ta có một sức mạnh thiêng liêng bí mật. Bất cứ lúc nào con gặp khó khăn, hãy nhớ tên ta và mọi thứ sẽ tốt đẹp”.
Marpa ấn ấn bàn chân và bắt đầu thử làm điều thầy nói ngay lập tức. Dù chỉ là một người bình thường nhưng Marpa đã có thể đi trên nước. Những đệ tử khác theo học vị đạo sư trong nhiều năm không thể tin nổi – sao ông ta có thể đi trên mặt nước. Họ báo lại với vị đạo sư: “Thưa thầy, chúng con không hiểu nổi sao người đó có thể đi trên mặt nước?”.
Vị đạo sư hỏi: “Vậy ư?”.
Họ chạy ra bờ sông. Marpa vẫn đang đi lại trên mặt nước, ca hát, nhảy múa. Khi ông vào bờ, vị đạo sư hỏi: “Con có bí mật gì vậy?”.
Marpa ngạc nhiên: “Bí mật gì đâu thưa thầy? Chính là điều thầy nói với con: hãy gọi tên thầy. Con nói: Thưa thầy, hãy cho phép con đi trên mặt nước. Thế là điều đó xảy ra”.
Vị đạo sư không tin nổi tại sao tên của ngài lại có thể giúp cho Marpa đi trên nước. Bản thân ngài không thể đi trên nước được. Nhưng biết đâu được… Ngài vẫn chưa làm thử bao giờ. Ngài nghĩ tốt hơn hơn hết là thử thách Marpa thực hiện thêm một số việc phi thường nữa trước khi đích thân Ngài thực hiện. Nghĩ vậy, vị sư nói: “Con có thể nhảy từ vách núi xuống không?”.
Marpa trả lời: “Thầy nói gì con cũng làm”. Ông đi xuống đồi và trèo lên một vách núi. Những người còn lại đứng chờ Marpa tan xác dưới thung lũng.
Marpa bình tĩnh mỉm cười, ngồi theo tư thế hoa sen. Ông đáp xuống nhẹ nhàng trên một cành cây dưới thung lũng và ngồi xuống. Mọi người chạy đến vây quanh Marpa. Họ thấy ông thậm chí không có cả một vết xước.
Vị đạo sư hỏi: “Con lại gọi tên ta sao?”.
Marpa đáp: “Vâng”.
Vị đạo sư nói: “Thế là đủ. Bây giờ ta sẽ thử xem”.
Ngài bắt đầu bước xuống nước và chìm nghỉm.
Marpa không tin được thầy của ông lại bị chìm. Những đồ đệ nhảy xuống sông để cứu thầy. Vị đạo sư gần như sắp chết vì nước tràn vào phổi.
Marpa hỏi: “Chuyện gì vậy thưa thầy?”.
Vị đạo sư trả lời: “Hãy tha thứ cho tôi, tôi không phải là đạo sư, tôi chỉ là một kẻ tham lam hay yêu sách”.
Marpa lại hỏi: “Nếu ngài là một kẻ tham lam hay yêu sách, sao tên của ngài có thể khiến con làm được những chuyện đó?”.
Vị đạo sư rởm đời trả lời: “Tên tôi có ý nghĩa gì đâu. Chính là niềm tin của anh. Điều quan trọng không phải là anh tin ai, mà anh tin như thế nào. Tôi không tin vào tôi. Tôi không tin vào ai. Tôi chỉ lừa mọi người, làm sao tôi có thể tin được ai. Tôi sợ bị kẻ khác lừa mị vì tôi hay lừa mị họ. Tôi không thể tin bất cứ điều gì. Anh là một người ngớ ngẩn vì đã tin tôi”.
Câu chuyện trên có thật hay không, chúng ta không cần để ý. Chúng ta chỉ nên quan tâm một sự thật: chính chúng ta đã tạo nên đau khổ cho mình, và chỉ có niềm tin, tình yêu mới mang lại niềm vui hạnh phúc.
Càng cố sáng tạo ta càng bị nô lệ vào những viễn cảnh của nó; chỉ có tự do mới là bản tuyên ngôn duy nhất của chúng ta trong cuộc đời.
Bạn hỏi tôi: “Tại sao tôi lại đau khổ?”. Thực ra, bạn đau khổ vì bạn không nhận trách nhiệm cho nỗi đau khổ đó. Gốc rễ nỗi khổ nằm bên trong mỗi chúng ta. Nếu tiêu trừ gốc rễ ấy thì nỗi khổ nào cũng sẽ biến mất.
Nhưng hầu hết mọi người đều không muốn từ bỏ căn nguyên của sự khổ đau mà họ chỉ muốn từ bỏ sự khổ, là điều không thể được, không có cơ sở khoa học.
Khi mong muốn người khác cứu giúp mình, bạn sẽ giống như một kẻ ăn xin. Bạn có phải là con cừu đâu. Bạn phải làm chủ hoàn toàn cuộc sống của mình mới phải.
Chỉ cần nhìn thấy trách nhiệm của bản thân mình trong mọi nỗi khổ sở của cuộc đời, chúng ta sẽ tìm thấy một chân trời ánh sáng của hạnh phúc và tự do vĩnh cửu.
Không cần ai phải cứu rỗi chúng ta.
Cứu rỗi là giả tạo. Vì muốn người khác cứu giúp mình nên bạn phải thờ phụng họ. Bạn cần họ và họ xuất hiện.
Một khi còn lệ thuộc vào người khác, bạn sẽ đánh mất tâm hồn mình. Bạn quên rằng mình cũng có ý thức đầy đủ như bất kỳ ai khác, như Đức Phật. Và nếu không thức tỉnh thì bạn không thể nào nhìn ra sự thật đó. Bạn chỉ trông chờ vào sự cứu rỗi. Bạn phải đi xin mà không biết mình chính là chủ vương quốc của mình.
Như vậy, những nguyên tắc cơ bản nhất mà chúng ta cần thấu đáo là: tôn trọng bản thân mình, sống tự do và biết chịu trách nhiệm.
Tại sao người ta lại thích sống khác bản chất của mình? Yếu tố tâm lý nào nằm ở đằng sau sự thật đó? Bởi vì người ta bị ép buộc sống một cách miễn cưỡng từ thuở ấu thơ. Những điều mà người ta thích làm hầu như đều bị ngăn chặn. Dần dần, lớn lên người ta cũng mang theo những ý tưởng và quan niệm sống được hình thành từ bé. Con người trở thành những đứa trẻ to xác luôn cần được cứu giúp.
Bạn đã bao giờ suy nghĩ về điều đó chưa? Đứa trẻ to xác đó là đứa trẻ yếu ớt nhất trong thế giới sinh vật, yếu ớt nhất thế giới – một loài sinh vật mỏng manh, dễ tổn thương, dễ chết. Một cách hết sức tự nhiên, người lớn đã đúc khuôn những đứa bé theo cách sống cố hữu của họ.
Vì thế, ở một góc độ nào đó, muốn sống như chính mình tức là chống lại bản thân mình. Đó là nền tảng tâm lý đằng sau sự thật con người thích sống khác bản chất của mình.
Mọi người dường như đang tồn tại trong tình trạng tâm thần phân liệt. Họ không bao giờ cho phép mình được sống thật. Họ phải sống theo một mẫu hình nào đó – kiểu người không bao giờ có thể hạnh phúc một cách chân thật.
Khi lớn lên và đứng trên đôi chân của chính mình, con người bắt đầu đòi hỏi nhiều thứ. Nhưng trong cái thế giới xô bồ này, chúng ta như bị mờ mịt. Mỗi người cố gắng trở thành một người nào đó mà họ biết rõ bản chất mình không phải như thế. Người ta vẫn biết mình bị thúc đẩy, bị lôi cuốn trở thành bác sĩ này, kỹ sư nọ, thành nhà chính trị, thành tội phạm, thành kẻ ăn xin. Có đủ thứ lực đẩy xung quanh chúng ta.
Ở Bombay, Ấn Độ, có nhiều người mà công việc duy nhất của họ là bắt cóc trẻ em và làm cho các em trở nên tàn tật, mù lòa, què quặt, sau đó bắt các em phải đi ăn xin để mang tiền về cho họ. Vâng, các em được cho ăn, có một chỗ nương náu, nhưng các em chỉ là một thứ hàng hóa để bán buôn chứ không phải con người. Điều này tất nhiên rất trầm trọng, song, xét ở một khía cạnh nào đó, chuyện chúng ta tự đối xử với mình cũng giống như vậy, cũng nghiệt ngã và u tối như những kẻ buôn bán trẻ em vậy.
Trong thế giới này, chỉ có một hạnh phúc duy nhất: được trở thành chính mình. Hiếm ai can đảm trở thành chính mình. Người nào cũng cố gắng tìm cách giấu mình đi bằng những mặt nạ, bằng sự khoe khoang hay thái độ đạo đức giả. Họ cảm thấy xấu hổ về con người thật của mình.
Chúng ta đã biến thế giới này thành một cái chợ; cuộc sống đó không phải là một khu vườn đẹp đẽ mà mỗi người đều được phép mang theo những bông hoa tươi thắm của riêng mình. Chúng ta cứ muốn hoa cúc trở thành hoa hồng nhưng làm sao như thế được. Đó sẽ là những đóa hoa hồng nhựa không có linh hồn; trái tim sâu thẳm của những bông hoa cúc sẽ chứa chan nước mắt; nó cảm thấy khổ sở đắng cay vì “không đủ can đảm chống lại đám đông”. Họ muốn tôi làm hoa hồng nhựa mà không biết bên trong tâm hồn tôi là một bông hoa khác, một linh hồn khác. Tôi không có cách nào để nói ra sự thật ấy.
Chúng ta được dạy dỗ đủ thứ, nhưng không được dạy dỗ để sống đúng con người thật của mình. Đây là một hình thức quái đản nhất của xã hội bởi nó đã làm cho chúng ta sai lạc.
Trở thành kiểu người mà bạn không muốn, sống với người mà bạn không thích, làm những điều mà bạn chán ghét, đó là nền tảng mọi nỗi khổ của con người.
Một mặt, xã hội ở cơ cấu cực đoan nhất của nó chỉ là công cụ quản lý những con người đau khổ, mặt khác xã hội đó lại mong muốn chúng ta không thể hiện nỗi khổ của mình – ít nhất ở nơi công cộng. Đau khổ là chuyện riêng tư của bạn, nó đâu phải chuyện của đám đông ngoài kia.
Xã hội đã tạo nên nỗi khổ cho con người, rõ ràng đó là vấn đề chung của tất cả mọi người chứ không phải của riêng ai. Cái đám đông ồn ào tạo nên tất cả mọi ưu phiền bận tâm cho chúng ta cuối cùng lại nói với chúng ta rằng: “Nếu buồn thì hãy khóc một mình, còn khi vui bạn hãy bước ra ngoài. Đừng cho người khác thấy bạn đang đau khổ”. Người ta ngầm hiểu với nhau đó là một kiểu xã giao, là phong cách, là văn hóa. Thực sự, nó chỉ là một kiểu đạo đức giả.
Sớm hay muộn gì chúng ta cũng phải quyết định. Bạn sẽ phải nói: “Bằng mọi giá, tôi chỉ muốn trở thành chính mình.
Tôi có thể bị lên án, bị phủ nhận, bị mọi người xa lánh, ghét bỏ nhưng nhất quyết tôi không thể tiếp tục sống dưới vỏ bọc của kẻ khác thêm một lần nào nữa”. Quyết định này và tuyên ngôn này giải thoát bạn ra khỏi áp lực của đám đông, đưa bạn trở về với bản chất nguyên sơ của mình, trở về với con người thực sự của mình.
Chúng ta không cần phải đeo mặt nạ làm gì. Chỉ cần là chính mình, đơn giản thế thôi.
Tôi sẽ trở thành chính mình bằng cách nào? Tưởng chừng đó là điều dễ dàng nhất thế giới nhưng không phải như thế. Trở thành chính mình tức là không cần làm gì khác cả; bạn đã là chính mình rồi. Làm sao bạn có thể trở thành một ai đó khác. Làm sao bạn có thể sống ngược lại với bản chất chân thật của mình. Vậy mà cả xã hội này coi đó là điều hiển nhiên. Vậy một câu hỏi được đặt ra là: Vì đâu bạn đã bị biến thành người khác? Vấn đề nằm ở chỗ xã hội đã làm tất cả chúng ta bị sai lạc – sai lạc suy nghĩ, sai lạc cách sống. Nó đã làm cho chúng ta có ảo giác rằng những cái bên ngoài kia là bản chất của chúng ta. Nó đẩy chúng ta ra khỏi cốt lõi bên trong của mỗi người. Và càng ngày ta càng tách rời bản thân. Cái xã hội đó muốn chúng ta trở thành thánh nhân, việc trở thành ai đó có thể rất vĩ đại, trừ việc trở thành chính con người của mình.
Nó không bao giờ cho phép ta được tự do, nó bắt ta nghe theo tiếng nói bên ngoài, tin theo những tưởng tượng phong phú của đầu óc con người.
Chúng ta có thể giả vờ, nhưng giả vờ tức là không bao giờ hài lòng. Ta luôn muốn được là chính mình nhưng xã hội không cho phép. Nó muốn chúng ta mạo danh, nó không bao giờ muốn chúng ta sống thật, bởi nó cho rằng những người sống thật là những người nguy hiểm, nổi loạn. Chỉ những người biết sống thật mới làm chủ được cuộc sống của mình, mới sống theo cách riêng của mình; họ chỉ làm việc của họ, không bao giờ phiền đến xung quanh. Bạn không thể buộc họ hy sinh nhân danh bất kỳ điều gì. Họ luôn biết sống vì hạnh phúc nội tâm của họ. Đó là niềm hạnh phúc viên mãn vĩnh hằng. Họ không bao giờ hy sinh hạnh phúc ấy cho bất kỳ điều gì khác.
Ngay từ tấm bé, những định kiến, giáo điều của xã hội đã được tiêm nhiễm vào đầu óc chúng ta. Người lớn luôn dạy trẻ con phải trở thành người khác. Đứa trẻ lớn lên sẽ quen dần với việc sống giả tạo. Rồi một ngày kia, cũng chính cái xã hội ấy lại hỏi đứa bé đã lớn: Chuyện gì đã xảy ra với bạn vậy? Tại sao bạn đau khổ? Sao bạn buồn? Và sau đó bạn phải đi gặp các vị coi sóc về tinh thần. Trước hết, họ sẽ làm cho bạn suy nghĩ sai lầm về con đường hạnh phúc. Rồi họ sẽ dạy dỗ bạn làm thế nào để sống hạnh phúc. Nghĩa là họ làm cho bạn yếu đi rồi sau đó bán thuốc cho bạn. Quả là một cuộc lừa đảo xuyên không gian và thời gian. Con người sập vào cái bẫy của chính mình.
Tôi từng nghe thế này… Một phụ nữ Do Thái ngồi trên máy bay bên cạnh một người đàn ông Na Uy lực lưỡng. Chị nhìn chằm chằm vào người đàn ông. Cuối cùng, chị lên tiếng: “Xin lỗi, anh có phải là người Do Thái không?”.
Anh ta trả lời: “Không”.
Một vài phút trôi qua, chị vẫn nhìn người đàn ông chăm chú và lại hỏi: “Anh vừa nói với tôi anh không phải là người Do Thái phải không?”.
Anh ta trả lời: “Chắc chắn là không”.
Chị vẫn quan sát người đàn ông và nói lại: “Tôi nói anh là người Do Thái”.
Để bớt phiền phức, anh ta đáp một cách lịch sự: “Đúng, tôi là người Do Thái”.
Chị lại nhìn người đàn ông và lắc đầu nói: “Anh đừng có nói như thế”.
Chúng ta cũng như vậy đấy. Bạn hỏi: “Tôi sẽ trở thành chính mình bằng cách nào?”. Chỉ cần đừng giả vờ nữa, đừng mong trở thành đấng này đấng nọ. Hãy ngưng tranh đấu và so sánh mình với người khác. So sánh là thuốc độc. Đừng nghĩ về người khác và những gì họ có để bạn phải đau khổ. So sánh sẽ khiến bạn bắt chước. Bắt chước một ai đó là đánh mất cơ hội được sống đúng với bản chất thật của mình.
Đừng so sánh. Mỗi con người chúng ta đều là duy nhất.
Không ai từng giống chúng ta hoặc sẽ giống chúng ta. Đơn giản chúng ta là mỗi cá thể duy nhất. Nhưng hãy nhớ rằng, tôi không hề nói bạn tốt hơn người khác. Cái duy nhất ở đây theo nghĩa là một con người bình thường trong cuộc sống.
Một cá thể riêng biệt không có gì để so sánh, điều đó tự nhiên như hơi thở. Tất cả chúng ta đều là hơi thở và đều duy nhất. Chừng nào còn sống thì bạn vẫn còn là một cá thể duy nhất. Chỉ có xác chết mới giống nhau. Chúng ta không bao giờ giống nhau, không thể giống nhau.
Cuộc sống trôi đi không bao giờ lặp lại. Mỗi ngày, cuộc sống cất lên tiếng hát mới, vẽ nên bức tranh mới.
Hãy trân trọng con người duy nhất trong ta. So sánh là có lỗi với chính mình.
Chừng nào còn sống thì bạn vẫn còn là một cá thể duy nhất. Chỉ có xác chết mới giống nhau. Chúng ta không bao giờ giống nhau, không thể giống nhau. Cuộc sống trôi đi không bao giờ lặp lại.
Một khi đã so sánh, chắc chắn chúng ta sẽ đi theo con đường của người khác. Nhưng ta không phải là người khác, và người khác không phải là ta. Hãy chấm dứt mọi việc so sánh. Hãy để người khác là chính họ, còn chúng ta thanh thản sống cuộc sống của riêng mình. Hãy bắt đầu tận hưởng con người thật sự của mình. Và niềm vui bình dị ấm áp sẽ đến.
Việc so sánh sẽ dẫn đến tham vọng, thậm chí là bạo lực. Vì so sánh mà chúng ta trở nên hằn học, hận thù.
Cuộc sống không phải là hàng hóa. Hạnh phúc viên mãn cũng không phải là hàng hóa để người này có mà người khác thì không. Không thể có chuyện “nếu người khác hạnh phúc thì liệu tôi có hạnh phúc không?”. Thực ra mỗi chúng ta đều rất đủ đầy hạnh phúc trong nội tâm mình mà không ai có thể tranh giành, đuổi bắt. Hạnh phúc trong ta như một khu vườn xinh xắn; ta có thể ngắm nhìn và trân trọng nó, người khác cũng có thể ngắm nhìn và trân trọng. Không ai lợi dụng ai, không ai cản bước ai trước một khu vườn đẹp đẽ thơm tho. Người ngắm nó sẽ bị cuốn hút một cách nhẹ nhàng, và khu vườn cũng không mất mát một bông hoa nào. Khu vườn ngày càng đẹp đẽ hơn vì ai cũng trân trọng nó, và mỗi người sẽ mở thêm những chiều kích mới cho nó.
Hạnh phúc của con người là nâng cao chất lượng cuộc sống; khi sống vui tươi ta sẽ tạo ra những rung cảm hạnh phúc mới mỗi ngày. Càng nhiều người hạnh phúc 152 – HẠNH PHÚC TẠI TÂM thì chúng ta càng trân trọng cuộc đời này hơn. Khi đó người ta không còn hứng thú với tranh đấu, giành giật.
Giành giật hạnh phúc đâu phải là hạnh phúc. Hãy nhớ, nếu người khác thấy bất hạnh thì bạn cũng sẽ khó mà hạnh phúc. Hạnh phúc dành cho tất cả mọi người. Ai mở rộng trái tim mình, người đó sẽ có hạnh phúc.
Hạnh phúc không phải là một cái ghế mà người này đã ngồi thì người khác không thể có được. Ánh sáng tin yêu hạnh phúc sẽ chiếu rọi chan hòa cho tất cả mọi người. Đức Phật đã giác ngộ, nghĩa là chúng ta đều có thể giác ngộ. Đức Jesus đã tỉnh thức, nghĩa là chúng ta đều có thể tỉnh thức. Ai đó đã khởi đầu cuộc hành trình này từ trước, dấu chân của họ vẫn còn như một lời mách bảo dành cho chúng ta. Bạn sẽ đi dễ dàng hơn, tin tưởng sâu sắc hơn, ít do dự ngập ngừng hơn. Cả trái đất này sẽ bừng sáng nếu mỗi cá nhân chúng ta đều tham dự vào hạnh phúc viên mãn.
Hàng triệu người giành giật một vị trí chính trị nào đó, chiến tranh tất nhiên sẽ xảy ra. Nhưng hàng triệu người sống an lạc thanh thản thì chẳng có vấn đề gì để tranh đấu, lo âu.
Hạnh phúc tối thượng là từ bỏ mọi sự tham lam, đòi hỏi. Xã hội đã làm mụ mị đầu óc chúng ta, nó dạy chúng ta phải tranh đấu với đời. Thiền định giúp chúng ta cân bằng trở lại. Xã hội thôi thúc chúng ta sống tham vọng.
Thiền định xoa dịu cơn khát khao của chúng ta. Khi nào không còn tham vọng, chúng ta sẽ sống đúng như bản chất của mình. Thật đơn giản biết bao! Đôi khi tôi cảm thấy, không phải như Sartre(9) đã nói: “Địa ngục là kẻ khác”, mà “Địa ngục là chính tôi”.
một trong những nhà triết học hàng đầu của Pháp thế kỷ XX.
Tôi là địa ngục. Địa ngục! Tôi phải chấp nhận sống trong địa ngục trước khi có thể tìm thấy niềm vui hay sao? Tôi không hiểu. Không, không phải bạn đang sống trong địa ngục.
Bạn là chính địa ngục. Một cái tôi dương dương tự đắc là địa ngục. Một khi cái tôi bị xóa nhòa thì địa ngục cũng không còn. Cái tôi đã tạo ra những mớ rắc rối hỗn độn quanh ta khiến ta đau đớn. Vai trò của cái tôi giống như một vết thương – nó luôn có thể bị tổn thương. Cái tôi trở thành địa ngục.
Khi chúng ta còn cái tôi thì còn địa ngục, sự biến mất của cái tôi là thiên đường. Không tồn tại, tức là tồn tại trên thiên đường. Còn tồn tại luôn là đang ở địa ngục.
“Liệu tôi có phải chấp nhận địa ngục trước khi tôi có thể tìm thấy niềm hạnh phúc?”. Bạn phải hiểu biết địa ngục, bởi vì nếu bạn không hiểu địa ngục, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi nó. Và bạn không thể hiểu được bất cứ điều gì nếu bạn tiếp tục phủ nhận nó. Đó là những gì chúng ta đã và đang làm. Chúng ta tiếp tục chối từ một số mặt tồn tại trong con người mình. Có thể đó là cái phần rất xấu xa trong ta. Chúng ta tiếp tục khăng khăng rằng “Cái này không phải là tôi”. Jean-Paul Sartre nói rằng người khác là địa ngục – điều này có nghĩa là khi bạn phủ nhận điều gì đó của bản thân bạn, bạn đã áp đặt nó thành cái của người khác.
Hãy xem xét cơ chế của việc sắp đặt này. Bạn gắn ghép những điều bạn không thể chấp nhận ở bản thân mình sang cho sự vật, sự việc khác. Bạn không tiêu trừ được nó.
Bạn buộc phải sắp xếp nó ở đâu đó. Hơn ai hết, bạn biết rõ nó vẫn tồn tại.
Nếu bạn phủ nhận sự tồn tại của mình, nếu bạn khước từ nó, thì bạn sẽ đặt chúng ở đâu? Bạn sẽ phải sắp đặt nó vào ai đó khác bạn.
Chiến tranh vẫn tiếp diễn, xung đột sẽ tiếp tục, bạo lực sẽ vẫn còn trừ khi loài người học cách không phủ nhận mình mà biết chấp nhận nó. Hãy bình tĩnh chấp nhận cuộc đời buồn vui của mình, bởi lẽ càng che giấu nó càng cố trỗi dậy một cách không ngờ. Bất cứ điều gì bạn phủ nhận, bạn sẽ phải đặt chúng vào đâu đó. Bạn sẽ phải sắp đặt chúng vào ai đó. Phần bị phủ nhận sẽ trở thành sự phóng đại, và cuộc sống sẽ được phản chiếu qua đôi mắt ảo giác của bạn. Rồi những điều bạn tưởng tượng ra đều là không thực tế.
Jean-Paul Sartre nói rằng “người khác là địa ngục”.
Nhà triết học hiện sinh này chỉ diễn đạt một lầm lạc chung nhất, một ảo ảnh chung nhất của loài người.
Nếu bạn đang đau khổ, bạn nghĩ rằng ai đó đã làm bạn khổ. Nếu bạn đang giận dữ, bạn nghĩ ai đó biến mình trở nên như thế, nghĩa là trong mọi tình huống, chúng ta luôn có xu hướng đổ lỗi cho một người nào đó.
Đau khổ hay tức giận đều xuất phát từ chính bản thân ta. Chẳng ai làm chúng ta trở nên như vậy cả. Chẳng ai có thể làm bạn nổi giận, trừ khi bạn quyết định nổi giận.
Trong cơn giận dữ, bạn sẽ lấy người khác làm bình phong để tưởng tượng ra đủ thứ ảo giác. Chẳng ai có thể làm bạn đau khổ trừ khi bạn quyết định chọn cách sống đau khổ.
Dần dần, bạn có khuynh hướng nghĩ rằng cả cái thế giới này đã làm cho bạn đau khổ.
Cái tôi là địa ngục, người khác không thể tạo ra địa ngục cho ta. Chính ý niệm “Tôi tách rời với thế giới” là địa ngục. Trạng thái phân tách là địa ngục. Chỉ cần ta mạnh dạn vứt bỏ cái tự ngã, tất cả đau khổ sẽ biến mất, tất cả mâu thuẫn sẽ tiêu tan.
Bạn hỏi rằng: “Tôi có phải chấp nhận đớn đau trước khi tôi có thể tìm thấy niềm hạnh phúc?”. Câu trả lời là “Đúng, chắc chắn là thế”. Bạn sẽ phải chấp nhận và thấu hiểu. Trong sự chấp nhận và thấu hiểu này, địa ngục tăm tối sẽ chuyển hóa ngược trở lại thành sự hòa hợp tuyệt đối nơi thiên đường. Mọi mâu thuẫn và căng thẳng của bạn sẽ được giải quyết. Khi đó, bạn sẽ trở nên thanh thản hơn, dễ hòa hợp hơn, không còn bận tâm quá nhiều đến cái tôi nữa.
Chỉ nghĩ về mình là một căn bệnh. Khi chúng ta bị đẩy văng ra ngoài và sống trong tình trạng chia cắt, bị cuốn theo nhiều chiều nhiều hướng đối lập nhau, khi mà ta phải sống trong sự mâu thuẫn, khi đó cái tôi trỗi dậy.
Bạn đã bao giờ cảm thấy mình không bị đau đầu chưa? Còn đau đầu nghĩa là chúng ta còn cảm thấy sự tồn tại của cái đầu. Nếu sự đau đầu biến mất, cái đầu dường như cũng không hiện hữu; bạn sẽ không bao giờ cảm thấy được nó ở đó. Lúc ốm đau thì ta sẽ cảm nhận về sự có mặt của cơ thể mình; còn khi khỏe mạnh, ta thường không chú ý đến điều này. Sức khỏe hoàn hảo phủ nhận sự hiện hữu của cơ thể, bạn không cảm thấy trạng thái có mặt của cơ thể nữa. Bạn có thể quên mất cơ thể; chẳng có gì níu kéo sự chú ý của bạn với nó. Một người có sức khỏe hoàn hảo là người mù tịt về cơ thể mình bởi anh ta có gì để bận tâm đến nó đâu.
Một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh sẽ không cảm nhận được sự hiện hữu của cơ thể nó, cơ thể nó nhẹ tựa lông hồng. Ngược lại, một người già lại cảm nhận rất rõ sự nặng nề của cơ thể mình – bệnh tật, sự yếu ớt và vô số mâu thuẫn khác nảy sinh. Cơ thể người lớn tuổi không còn thực hiện tốt chức năng của nó, giữa các bộ phận không còn hòa hợp và nó không thể vận hành theo ý muốn của chủ nhân. Vì thế, người già có cảm nhận về sự hiện hữu của cơ thể rõ hơn.
Nếu bạn hiểu được hiện tượng đơn giản này, rằng cơn đau đầu làm bạn cảm nhận về cái đầu, bệnh tật làm bạn cảm nhận về cơ thể thì sẽ có điều gì đó bệnh hoạn trong tâm hồn mình đã làm cho bạn cảm nhận về bản thân.
Một tâm hồn khỏe mạnh sẽ không có chút vương vấn cái tôi của mình. Đó là vô ngã – là những gì Đức Phật Thích Ca đã dạy chúng ta. Chỉ có cái vô ngã tồn tại trong thế giới tuyệt vời của sự hòa hợp. Khi có một tâm hồn khỏe mạnh và tràn ngập yêu thương, chúng ta không cần phải nhớ đến bản thân nữa.
Nhưng thông thường chúng ta vẫn tiếp tục gieo mầm cho bản ngã của mình sinh sôi nảy nở. Một mặt, ta tiếp tục cố gắng không bị đau khổ nhưng mặt khác, ta lại nuôi trồng cái tôi. Tất cả mọi điều chúng ta hướng tới đều mâu thuẫn.
Chuyện kể rằng: Có một người kiêu ngạo và nổi tiếng, sau khi chết, linh hồn của ông ta đã tới cổng thiên đường.
Thánh Peter đứng ở cổng cất tiếng: “Chào mừng, xin mời vào”.
Linh hồn cười nhếch mép trả lời: “Tôi không vào đâu! Nếu ngài cứ để mọi người vào mà không đặt chỗ trước thì đây không phải là thiên đường như tôi đã hình dung”.
Một con người ích kỷ và kiêu ngạo vì một lý do nào đó mà tới được cổng thiên đường thì anh ta cũng không bước vào. Theo anh ta, thiên đường chỉ dành cho những ai đã đặt chỗ trước. Còn nếu bất kỳ ai cũng được lên thiên đường thì việc anh ta đến được đấy chẳng có ý nghĩa gì.
Anh ta muốn mình thuộc một trong số rất ít những người đến được chốn cực lạc. Nhưng thực tế, anh chàng ích kỷ đó không thể bước vào thiên đường, mà chỉ đáng bị đày xuống địa ngục. Kẻ ích kỷ mang địa ngục của riêng mình theo sát gót chân.
Có lần Mulla Nasruddin bị ngã xuống một hố phân ở một vùng quê và không leo lên được. Do vậy anh ta đứng đó mà hét: “Cháy! Cháy!”. Vài giờ sau những người cứu hỏa tới.
“Ở đây có cháy gì đâu!”, người cứu hỏa quát lên: “Anh thét ‘cháy’ để làm gì?”.
Mulla gặng hỏi lại: “Thế ông muốn tôi hét cái gì? Hét là ‘Cứt! Cứt!’ à?”.
Ngay cả khi phải xuống địa ngục, bản ngã kiêu kỳ vẫn không bao giờ chịu thừa nhận điều đó mà nó sẽ tiếp tục tự tô điểm cho mình.
Bạn hỏi rằng “Tôi có phải chấp nhận địa ngục trước khi tìm thấy thiên đường không?”.
Đúng thế. Bạn không những phải chấp nhận mà còn phải hiểu thấu đáo. Bạn phải chịu sự dằn vặt và nỗi đau của bản ngã để có thể nhận thức rõ ràng cái tôi của mình.
Khi nắm rõ con đường tạo ra cái tôi, bạn sẽ tự do lựa chọn cho nó tiếp tục có mặt hay không. Khi đó, quyền quyết định hoàn toàn do bạn. Bạn nói: “Tôi không biết phải làm thế nào”. Vâng, thật khó chấp nhận sống trong địa ngục. Mọi cố gắng của chúng ta đều nhằm chối bỏ nó. Đó là lý do vì sao bạn có thể đang khóc trong lòng nhưng lại có nụ cười bên ngoài. Có thể bạn đang rất buồn nhưng lại cố tỏ ra mình vẫn vui. Thật khó chấp nhận rằng bạn đang buồn khổ. Nhưng nếu bạn tiếp tục phủ nhận điều đó thì dần dần sự nhận thức của bạn sẽ bị đứt đoạn.
Sự đứt đoạn trong nhận thức xảy ra khi chúng ta phát ngôn thiếu tỉnh táo. Bạn đã phủ nhận ý thức của mình quá lâu, vai trò của ý thức bị xóa nhòa; sự mờ mịt đó của nhận thức sẽ biến thành một thứ nền tảng trong tinh thần của bạn. Cuối cùng, bạn không thể thức tỉnh. Sự tăm tối ngày càng lớn sẽ đầu độc cuộc sống của bạn.
Nếu bạn đang buồn mà có thể cười được thì nụ cười ấy rất đau đớn. Nụ cười trở thành bài tập thể dục của đôi môi mà không hề liên quan đến sự tồn tại của bạn. Bạn có thể cười, bạn có thể thuyết phục một phụ nữ yêu mình bằng nụ cười của bạn. Nhưng nên nhớ rằng – cô ấy cũng làm như thế. Cô ấy cũng cười và đau khổ. Cô ấy cũng đang tự lừa phỉnh mình. Vậy là hai nụ cười giả vờ đã tạo nên một tình huống được gọi là “tình yêu”. Nhưng bạn sẽ tiếp tục cười được bao lâu? Bạn sẽ phải cần nghỉ ngơi. Sau vài giờ bạn cần phải nghỉ ngơi.
Nếu bạn có cái nhìn sắc sảo, bạn có thể cảm nhận rõ điều tôi nói; chẳng hạn khi ở bên một người trong ba giờ đồng hồ, tất nhiên chúng ta có thể nhìn thấu sự giả tạo ở anh ta. Bởi vì để giả tạo trong vòng ba giờ liền thì rất là khó. Làm sao có thể cười mãi ba giờ liền nếu trong lòng không có nụ cười? Người ta sẽ quên vai diễn của mình và bộ mặt đau khổ sẽ lộ ra.
Đôi lúc bạn có thể đánh lừa người khác. Chúng ta lừa phỉnh người khác và lừa phỉnh chính mình; chúng ta hy vọng chúng ta là những kẻ rất hạnh phúc và tỏ ra mình là những kẻ rất hạnh phúc, nhưng chúng ta đâu phải vậy.
Phía đối tác cũng như vậy thôi. Khi đó, mối tình nào cũng trở thành đau khổ.
Nếu trốn tránh nỗi buồn thì sẽ không thể thoát khỏi nó – bạn sẽ buồn hơn nữa. Việc đầu tiên là đương đầu với nó. Bạn phải đối diện với bản thân mình và đừng bao giờ đóng giả là ai đó khác. Đó không phải là cách để chào đón hạnh phúc thành thật từ cõi lòng.
Hãy là chính mình. Chẳng có gì sai khi bạn buồn nếu lòng bạn đang buồn. Tất nhiên như thế thì chẳng ai bị bạn quyến rũ cả – nhưng bạn sẽ bớt được nhiều điều phiền toái. Bạn sẽ vẫn chỉ có một mình, nhưng chẳng có gì sai cả khi bạn chỉ có một mình. Chúng ta hãy đối mặt với nỗi buồn, đi sâu vào nó, tìm hiểu đến tận cùng của nó, lôi nó ra, nhổ nó ra khỏi khối vô thức và đặt trước ý thức của mình. Làm được điều này là khó đấy, nhưng thành quả sẽ là món quà lớn lao. Chúng ta nhận thức được điều đó thì sẽ dễ dàng vứt bỏ nó. Đôi khi có những cảm xúc, nghĩ suy mà chúng ta không thể nhận thấy bởi nó ở sâu trong tiềm thức, trong bóng tối. Nếu ta mang nó ra ánh sáng, hẳn nó sẽ yếu đi nhiều.
Đem toàn bộ tinh thần mình soi trước ánh sáng, bạn sẽ thấy – tất cả nỗi buồn sẽ bắt đầu héo úa và tất cả vẻ đẹp cùng niềm hạnh phúc bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Dưới ánh sáng của ý thức, cái nào còn lại là tốt, cái nào không còn là không tốt. Tội lỗi là điều không thể phát triển bằng sự nhận thức, mà nó cần sự vô thức để phát triển. Nó không thể tồn tại nếu thiếu sự vô thức. Đức hạnh là thứ có thể phát triển hoàn toàn bằng ý thức không chút khó khăn.
Cuộc sống trở nên đau khổ cùng cực khi ta phải cắt đứt mối quan hệ với ai đó. Ấy là những lúc tôi thường tự cười chính mình và cảm thấy thanh thản trở lại. Sau đó, tôi lại nhận ra rằng việc duy nhất tôi cần phải làm là đừng yêu chính bản thân mình nữa. Liệu đó có phải là cội nguồn của mọi đau khổ mà con người phải chịu đựng hay chỉ là trải nghiệm của cá nhân tôi? Đó không chỉ là hành trình của riêng mỗi người mà đó là cảm nhận của hầu hết chúng ta nhưng không phải với ý nghĩa mà ta thường hiểu. Không phải vì chúng ta ngừng yêu chính mình và cảm thấy buồn bực, mà vì ta đã tạo ra một cái tôi không có thật. Vì thế thỉnh thoảng cái tôi ảo này bị khổ khi yêu người khác, bởi vì tình yêu không thể hiện hữu khi nó được dựng nên từ ảo tưởng.
Nó cũng không phải chỉ có một mặt: hai cái ảo cố yêu nhau chẳng sớm thì muộn đều sẽ thất bại. Và lúc này, bạn tìm về với chính mình vì không còn nơi nào để đi. Vì thế bạn nghĩ rằng “Tôi đã quên yêu bản thân mình”.
Nói cách khác, đó là một cách khuây khỏa, ít nhất thì thay vì có đến hai ảo ảnh, giờ đây bạn chỉ còn một mà thôi.
Nhưng bạn sẽ làm sao để yêu chính mình? Và bạn sẽ giữ được tình yêu đó trong bao lâu? Nó là ảo tưởng, nó sẽ không cho bạn nhìn thấy nó trong một thời gian dài bởi vì như thế rất nguy hiểm: Nếu bạn nhìn nó quá lâu, thì cái gọi là cái tôi này sẽ biến mất. Như vậy, sẽ có một kiểu tự do thật sự đến từ chính những phiền não. Tình yêu vẫn còn nhưng nó không được trao cho một người khác cũng như không được trao cho bản thân bạn. Tình yêu sẽ không được gửi đi bởi không có đối tượng để trao gửi. Và khi tình yêu ở đó, không trao gửi, dường như sẽ mang lại một niềm vui vô bờ.
Nhưng cái bản ngã ảo này không cho phép bạn dành nhiều thời gian cho nó. Bạn sẽ mau chóng yêu một ai đó trở lại, bởi vì bản ngã ảo này cần phải tìm sự đồng thuận của những cái ảo khác. Vì thế con người mới yêu rồi không yêu, rồi lại yêu và không yêu. Hiện tượng lạ lùng đó tái diễn trong đời họ hàng chục lần nhưng hiếm có ai nhận ra bản chất của vấn đề. Họ khốn khổ khi họ yêu ai đó; họ khốn khổ khi họ ở một mình không tình yêu dù chỉ một phút.
Ở Ấn Độ, khi một người qua đời, người ta đặt thi hài trên một cái cáng, nâng tất cả lên vai và khiêng đến giàn thiêu. Nhưng trên đường đi, họ thường đổi vị trí cái cáng từ vai trái sang vai phải và sau vài phút họ lại chuyển sang vai trái. Họ cảm thấy thoải mái hơn khi chuyển đổi như vậy.
Thật ra, sức nặng của cái cáng vẫn như thế nhưng việc đổi vai giúp bạn thư giãn. Lúc đầu, vai trái cảm thấy nhẹ nhàng hơn, nhưng đó chỉ là cảm giác nhất thời, bởi vì vai phải sẽ mau chóng đau và bạn lại chuyển vai một lần nữa.
Xét ở một khía cạnh nào đó, cuộc sống của bạn cũng tương tự câu chuyện trên. Bạn cố tình chuyển đổi một phần của chính mình sang cho người khác và nghĩ rằng có lẽ người đó sẽ mang đến cho bạn thiên đường mà bạn đã luôn tìm kiếm. Nhưng người ta lại mang đến địa ngục – địa ngục chứ không phải là thất bại! Không ai đáng trách vì việc đó, bởi vì họ đang làm đúng như những gì bạn đang làm. Họ đang mang một bản ngã ảo ra khỏi nơi không có cái gì có thể phát triển được. Nó không thể nở hoa. Nó là trống rỗng – bên ngoài thì được trang hoàng, nhưng bên trong thì trống rỗng.
Vì thế, khi bạn nhìn thấy ai đó từ xa, người đó đang tìm sự giúp đỡ và thông cảm. Song, khi đến gần, bạn nhận ra rằng cảm giác lúc nãy của bạn đường như không đúng.
Và khi bạn gặp họ, thì đó không còn là một cuộc gặp gỡ mà là sự xung đột. Đột nhiên bạn cảm thấy người đối diện trống rỗng, và bạn cảm thấy mình bị lừa bởi vì người đó chẳng có gì như bạn đã mong đợi. Và người đối diện với bạn cũng có cảm giác tương tự. Mọi ảo tưởng không còn và bạn trở thành gánh nặng, nỗi buồn, sự khốn khổ đối với người khác, thậm chí trở thành sự hủy hoại đối với người khác. Bạn cô độc. Trong một lúc bạn cảm thấy thoải mái, nhưng cái tôi ảo trong bạn không để cho bạn như thế được lâu, chẳng bao lâu bạn sẽ đi tìm một người khác và bạn lại mắc vào cái bẫy y như thế. Chỉ có những gương mặt là khác, còn sự thật bên trong là như nhau – tất cả đều trống rỗng.
Nếu bạn thật sự muốn từ bỏ phiền não và việc chịu đựng nó thì bạn phải tâm niệm rằng bạn không có cái tôi.
Như thế, bạn không chỉ đạt được một sự thư thái cỏn con mà là một niềm an lạc vô bờ bến. Và nếu bạn không có cái tôi, thì những nhu cầu tìm kiếm một người khác cũng không còn.
Cái tôi ảo đã từng cần phải được ấp ủ bởi một ai đó. Còn bạn không cần một ai khác nữa.
Hãy chú ý lắng nghe: Khi bạn không cần đến người khác, bạn có thể yêu, và tình yêu đó không đem đến sự đau khổ. Vượt qua được sự đòi hỏi, những yêu cầu, những ham muốn, tình yêu trở thành sự chia sẻ dịu dàng, sự cảm thông sâu sắc. Khi bạn hiểu được chính mình, đó cũng là lúc bạn hiểu được toàn nhân loại. Và như thế không ai có thể làm bạn đau khổ.
Bạn biết rằng họ đang phải bị chi phối bởi cái tôi ảo, và họ đang trút sự bực bội của mình lên bất cứ ai đang ở gần.
Tình yêu của chúng ta có thể giúp những người mà chúng ta yêu từ bỏ cái tôi của họ.
(9) Jean-Paul Charles Aymard Sartre, thường được gọi ngắn gọn là Jean-Paul Sartre (1905 – 1980): Nhà văn, nhà triết học hiện sinh Pháp được trao giải Nobel Văn học năm 1964.