Trâu non giả ốm
Trong một gia đình nông dân nọ có nuôi một con trâu non và một con ngựa già. Ngày thường, chúng cùng nhau ra đồng cày ruộng giúp chủ, ngày nào cũng sáng đi sớm, tối về muộn, rất cực nhọc.
Một hôm, trâu non nói với ngựa già: "Hôm nay tôi giả vờ bị ốm nhé, nghỉ ngơi một chút."
Ngựa già nghe vậy liền nói: "Không được đâu, chúng ta cần làm việc cho xong vì mùa màng đâu có đợi người chứ."
Nhưng trâu non không nghe, nó vẫn giả vờ đổ bệnh. Người nông dân nhìn thấy trâu rệu rã, không thần sắc liền mang cho nó ít cỏ non và ngũ cốc, cố gắng giúp nó cảm thấy thoải mái một chút.
Đợi ngựa già đi làm đồng về, trâu non liền đến hỏi tình hình. Ngựa thật thà đáp: "Không cày được nhiều như những hôm trước nhưng chúng tôi cũng đã cày được một đoạn tương đối dài."
Trâu non lại hỏi: "Ông chủ có nói gì không?"
"Không" – ngựa đáp.
Ngày hôm sau, trâu non vẫn muốn làm biếng, giả vờ ốm chưa khỏi. Khi Ngựa đi làm đồng trở về, nó liền hỏi ngay: "Hôm nay thế nào?"
Ngựa đáp: "Tôi cho rằng không tệ lắm, nhưng số ruộng đã cày không được nhiều."
"Thế ông chủ có nói gì không?"
"Ông chủ chẳng nói gì với tôi", ngựa nói, "nhưng tôi thấy ông ấy đứng lại nói chuyện với người đồ tể rất lâu."
Ảnh minh họa.
Lời bình
Trong môi trường công sở, ở nơi làm việc, điều quan trọng nhất là phải thật thà, đừng đánh giá thấp trí tuệ của cấp trên, mọi người làm việc như thế nào, trong lòng họ nắm rất rõ.
Người khôn lỏi cho rằng việc mình làm có thể sẽ mang lại lợi ích mà không biết rằng việc này chẳng khác nào dùng gậy ông đập lưng ông, sẽ có lúc tự đẩy mình rơi xuống đúng cãi bẫy của chính mình, để rồi cuối cùng bị loại bỏ một cách vô tình.
Chính vì điều này nên lời khuyên dành cho tất cả mọi người là làm gì cũng nên thật thà, lươn lẹo chẳng những không giúp ích gì cho bản thân mà trước sau cũng sẽ tự hại mình mà thôi.
Đeo trang sức cho lời nói
Có một người đàn ông mời khách đến nhà, thấy đến giờ hẹn rồi mà một vài người vẫn chưa đến. Chủ nhà trong lòng vô cùng sốt ruột, nói: "Làm thế nào bây giờ, những người nên đến tại sao giờ vẫn chưa đến?"
Một số vị khách nhạy cảm nghe thấy vậy liền nghĩ: "Người nên đến thì chưa đến, vậy chúng ta là những người không nên đến rồi?" Và thế là họ lặng lẽ bỏ về.
Chủ nhà thấy vậy lại càng sốt ruột, nói: "Tại sao những vị khách không nên về lại về hết rồi?" Những người khách còn lại nghe vậy, nghĩ: "Những người về là những người không nên về, vậy thì những ngày chưa về chúng ta đây chính là những người nên về rồi?" Và kết quả là họ cũng bỏ về.
Cuối cùng, chỉ còn lại một người bạn có quan hệ khá thân thiết với chủ nhà, chứng kiến cảnh tượng khó xử này, anh ta khuyên bạn: "Anh nên suy nghĩ một chút rồi hãy nói, kẻo lời nói nói ra rồi, nói sai rồi sẽ không dễ dàng thu lại được."
Chủ nhà vội kêu oan: "Tôi có bảo họ về đâu chứ!" Người bạn nghe vậy liền nổi giận, nói: "Không bảo họ về, vậy là anh bảo tôi về rồi." Nói xong anh ta đi thẳng.
Lời bình
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy sự tai hại của việc ăn nói thiếu suy nghĩ, nói khôn khéo của người chủ nhà. Anh ta đã phạm phải 2 sai lầm cơ bản khi giao tiếp với người khác.
1. Dùng từ không chuẩn xác.
Anh ta nói "Người nên đến không đến", "người không nên về lại về rồi", chữ "nên" trong lời nói của người đàn ông này là từ không chuẩn xác. Chỉ cần thay đổi câu nói thành "Những người này tại sao vẫn chưa đến nhỉ", "những người này làm sao lại về vậy?", chắc chắn sẽ không gây ra hiểu lầm.
2. Không chú ý đến đối tượng đang nói chuyện.
Nếu như anh ta nói với những người đã ra về là "người không nên về tại sao lại về?" thì có thể, người nghe sẽ vui. Thế nhưng anh ta lại nói những lời này trước mặt những người không về, những người còn ở lại mà không hề để ý đến cảm xúc của họ.
Trí thức trẻ