Ở Trung Quốc xưa, Khổng Tử là một nhà nho giáo và triết học lỗi lạc bậc nhất, được người người biết tới và kính trọng. Có điều gì thắc mắc, người ta đều tới tìm ông, nhờ giải đáp.
Là một người yêu thích việc học hỏi, Khổng Tử thường cùng các học trò của mình đi khắp đất nước, quan sát và tìm hiểu cuộc sống, khám phá những dòng chảy vô tận của tri thức nhân loại.
Vào một ngày hè, Khổng Tử cùng khoảng 20 học trò đang đi qua một vùng quê, thưởng lãm cảnh sắc xanh tươi ngút ngàn của cây lá, hoa cỏ thì bỗng họ nhìn thấy một con đường vắng vẻ, um tùm, có lẽ lâu lắm rồi chưa có ai đi qua.
"Ta muốn đi con đường đó. Chắc hẳn chúng ta sẽ có nhiều khám phá mới lạ ở đây", Khổng Tử nói với các học trò.
Vậy là họ chọn đi trên một con đường ít người qua lại. Đi chưa được bao lâu, trước mắt họ hiện ra một ngôi làng nhỏ. Cách đó không xa là một đám trẻ đang xây cung điện từ đá và củi khô. Chúng thậm chí say sưa đến mức chẳng thèm ngước lên nhìn những người lạ đang đứng trước mặt chúng.
"Ta muốn đến ngôi làng kia, có lẽ dân làng ở đây sẽ dạy cho ta biết điều gì mới lạ chăng?", Khổng Tử lại lên tiếng.
"Vâng, trò sẽ bảo những đứa trẻ kia dẹp cung điện, tránh đường cho xe ngựa đi qua", một trong những người học trò của Khổng Tử lên tiếng.
Khổng Tử (551 - 479 TCN) là một nhà nho học và bậc triết gia nổi tiếng của Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Internet)
Rồi anh ta lớn tiếng nói với lũ trẻ: "Các cháu, thầy của chúng ta muốn đến ngôi làng kia, mà cung điện của các cháu đang chắn đường, xe ngựa không qua được, vì thế hãy dẹp chúng đi nhé".
Ba trong số bốn đứa trẻ đang chơi thấy vậy sợ hãi chạy nấp vào bụi rậm ven đường. Nhưng đứa trẻ thứ tư thì không di chuyển dù chỉ một phân. Thay vào đó, cậu bé chắp 2 tay vào hông rồi nói: "Các ông phải đi đường vòng thôi. Cháu chưa thấy ai phải phá dỡ cả cung điện chỉ để cho xe ngựa đi qua. E là cháu không thể làm theo ý các ông được".
Cả đám người nghe nói thế thì kinh ngạc, thốt lên: "Sao các cháu dám ăn nói hàm hồ như vậy? Không biết đây là Khổng Tử - bậc nho giáo lỗi lạc, người thông thái nhất hay sao? Hãy dẹp ngay cung điện đi để ngài đến thăm làng của các cháu".
Thấy cậu bé nhất định không tránh đường, Khổng Tử ngồi trong xe mới tò mò xuống hỏi nguyên do. Nghe xong, Khổng Tử mỉm cười, mới nói với cậu bé: "Cháu cho ta biết lý do đi xem nào".
"Chẳng ai đi dời cung điện chỉ để cho xe ngựa đi qua cả", cậu bé một lần nữa khẳng định.
"Vậy ta sẽ hỏi cháu vài câu, nếu cháu trả lời được, ta sẽ đi đường vòng, còn nếu không thì cháu phải để cho ta đi qua con đường này", Khổng Tử tiếp tục.
"Được ạ", cậu bé đồng ý.
-Vậy nước gì không có cá?
- Nước giếng.
Khổng Tử gật đầu, lại hỏi tiếp:
- Lửa gì không có khói?
- Lửa đom đóm.
Khổng Tử cười lớn: "Cháu đúng là một đứa trẻ thông minh. Ta có thể thấy là cháu rất chú ý đến thế giới xung quanh mình. Vì thế, ta sẽ không động đến cung điện của các cháu mà đi đường vòng".
Thế nhưng, trước sự ngạc nhiên của Khổng Tử, cậu bé lại cầm tay ông rồi nói: "Cháu muốn hỏi ông vài câu, vì người ta nói ông là người thông thái nhất trên thế giới. Nếu ông trả lời được, cháu sẽ dỡ cung điện đi và dẫn các ông đến làng của cháu".
Cậu bé nhất định không nhường đường cho xe ngựa của Khổng Tử đi qua. (Ảnh minh họa)
Nghe thấy vậy, các học trò của Khổng Tử đều ồ lên tức giận, cho rằng cậu bé thật to gan, nhưng Khổng Tử thì rất bình tĩnh và đồng ý được thỉnh giáo.
Cậu bé nhìn lên trời rồi hỏi ông: "Vậy trên trời có bao nhiêu ngôi sao?".
Khổng Tử lúng túng, cố gắng tìm ra câu trả lời nhưng cuối cùng phải thừa nhận rằng ông không thể đưa ra đáp án.
Cậu bé cười rồi hỏi tiếp: "Có bao nhiêu đám mây trên đầu ông?".
Một lần nữa, Khổng Tử lại không có câu trả lời. Ông nói: "Đây đều là những câu hỏi trừu tượng. Cháu hãy hỏi điều gì thực tế hơn đi".
"Được, vậy trên đầu ông có bao nhiêu sợi tóc?", cậu bé láu cá lại hỏi.
Khổng Tử phải cười trừ, lắc đầu trước câu hỏi khó. Vậy là, trên một con đường đất nhỏ ở giữa một vùng nông thôn ở miền Bắc Trung Quốc, ông nhận ra rằng kiến thức quả là vô hạn, bất kỳ ai cũng có thể trở thành thầy của người khác, một cậu bé giỏi quan sát hoàn toàn có thể làm khó một bậc triết gia lỗi lạc.
Khổng Tử bèn cho gọi các học trò tới gần rồi dặn dò: "Hôm nay ta đã được đứa trẻ này dạy cho nhiều điều, và ta cũng biết được rằng đôi khi trẻ con còn biết nhiều hơn ta, biết nhiều hơn tất cả những học giả trên thế giới. Vì vậy không được đụng đến cung điện của cậu bé, chúng ta sẽ đi đường khác".
Cậu bé nghe Khổng Tử nói vậy thì chắp tay, cúi người rồi nói với ông: "Ngài đúng là một người thông thái".
Kể từ đó, cậu bé dành hết thời gian cho việc học hành nghiêm túc, và lớn lên đã trở thành một trong những học giả tài năng và lỗi lạc của đất nước.
Lời bàn: Bể học là vô bờ. Dù ta có tìm tòi hay nỗ lực đến đâu, cũng đừng bao giờ vỗ ngực huênh hoang kiêu ngạo hay coi thường người khác. Hãy dùng thái độ khiêm nhường, tĩnh tại để đối diện với cuộc đời thì mỗi con người sẽ ngày càng hoàn thiện hơn và nhận được sự kính trọng của người khác.
Trí thức trẻ