Vào ngày 14.8 tới đây, Doãn Linh - nữ sĩ nổi tiếng của Đài Loan sẽ có buổi giao lưu trò chuyện với bạn thơ tại Sài Gòn. Chuyến “trở về cố hương” đầy bất ngờ của Doãn Linh khiến cho giới văn nghệ Sài Gòn cũng như những người yêu thơ cảm thấy háo hức. Bởi ngoài câu chuyện thơ ca ngôn ngữ, Doãn Linh còn mang đến Việt Nam những bài thơ về Mỹ Tho, Sài Gòn… trong tuyển tập Khi đêm nở rộ như hoa.
Doãn Linh, tên thật Hà Doãn Linh, còn gọi Hà Kim Lan, nguyên quán Đại Phố, Quảng Đông, Trung Quốc. Sinh ra ở Việt Nam, từ nhỏ Doãn Linh chịu ảnh hưởng văn hóa và giáo dục Trung Hoa, Pháp và Việt Nam. Năm 16 tuôi, Doãn Linh đã có tác phẩm đăng các tờ báo Hoa ngữ tại Sài Gòn gồm thơ, tản văn, tiểu thuyết và dịch thuật. Ngoài bút danh chính, Doãn Linh còn có 20 bút danh khác như Y Y, Diệp Lan, Sương Châu, Cố Ca, Khả Nhân, Từ Trác Phi, Tuấn Cường, A Dã, Lan Nhược...
Nữ sĩ Doãn Linh
Doãn Linh cho biết: “Tôi làm thơ từ năm 16 tuổi, thời tụi tôi thơ vẫn còn hấp lực lắm. Nói không ngoa, thơ đã giúp tôi vượt qua các biến cố của bản thân, gia đình và xã hội. Thơ cũng giúp tôi trụ lại với đời sống này, dù nhiều lúc tôi muốn buông xuôi, quỵ ngã. Chính vì thế thơ của tôi thường buồn, mang chở một tâm sự khó chia sẻ cùng ai.
Cũng chính vì thơ mà tôi chọn ngành văn học, rồi nghiên cứu, giảng dạy và dịch thuật. Thói quen của tôi là đọc thấy gì hay là dịch, nhiều khi dịch rồi để quên đâu đó, chẳng cần xuất bản. Từ trước 1975 tôi đã dịch một số thơ, truyện ngắn từ tiếng Việt ra tiếng Hoa; sau này dịch Pháp ra Hoa và ngược lại; rồi Anh ra Hoa; phồn thể qua giản thể…”
Tập thơ Khi đêm nở rộ như hoa của nữ sĩ Doãn Linh do dịch giả Trúc Ty tuyển dịch xuất bản tại Việt Nam lần này gồm tập hợp của 5 chương, 28 bài, trong đó có 3 bài lớn, cũng là 5 bài thơ lẻ, nếu đứng độc lập.
Nữ sĩ Doãn Linh lang thang trên những con phố Sài Gòn khi về Việt Nam
“Tôi về Mỹ Tho để thăm quê, nhưng gia đình tôi không còn ai ở đó, rồi Sài Gòn cũng không. Tâm trạng tôi như một câu thơ của Lý Bạch: “Đê đầu tư cố hương” - cuối đầu thì nhớ cố hương, nhưng ngẩng đầu thì không thấy quê hương đâu cả. Dù sống và sinh con ở Đài Loan, đi học tại Pháp, nhưng quê hương tôi không ở những nơi đó”, Doãn Linh nghẹn ngào.
Có lẽ vì những tâm trạng day dứt đó nên những bài thơ Doãn Linh viết về Mỹ Tho, Sài Gòn đôi khi còn da diết và day dứt hơn những bài thơ viết về nơi nào khác trên đất nước Trung Hoa.
Đọc thơ của Doãn Linh người ta sẽ cảm nhận rõ cảm xúc “cúi đầu nhớ cố hương” đang bàng bạc trong tâm hồn của nữ sĩ. Cố hương ở đây là một nơi chốn cụ thể, hoặc một ký ức mơ hồ, hoặc một mơ tưởng, hoặc một cảnh vật nay đã đổi thay.
Khi đêm nở rộ như hoa do NXB Văn học và Domino Books ấn hành
Nói về “thân phận và thơ ca” của Doãn Linh, nhà phê bình Bạch Linh (Đài Loan) viết: “Doãn Linh một đời phiêu bạt giữa Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Pháp… đi đi về về... một chuyến bay là có thể chuyển đổi nơi chốn, tuy vậy chị đã vĩnh viễn xa lìa căn cội sinh ra, dòng sông không thể trở lại, càng như cánh bướm rời xa cố quận, không chỗ náu nương, sau cùng đành phải nương náu trong thi ca, chính thi ca đã “mệnh lệnh” chị phóng chiếu ánh sáng lấp lánh sau khi chui khỏi vỏ kén của mình đấy thôi”.
Doãn Linh, luôn mang trong mình hai quê hương: một trong tâm tưởng - vốn tươi đẹp, bất biến; một là đời thực - vốn trần trụi, phôi pha…và tập thơ Khi đêm nở rộ như hoa đã diễn tả khá trọn vẹn tâm thế lưỡng phân này.
Doãn Linh, tên thật Hà Doãn Linh, còn gọi Hà Kim Lan. Sinh ra tại Việt Nam nhưng nguyên quán thuộc Đại Phố, Quảng Đông, Trung Quốc. Từ năm 16 tuổi, Doãn Linh đã chính thức đăng tải tác phẩm trên các tờ báo Hoa ngữ tại Sài Gòn gồm thơ, tản văn, tiểu thuyết và dịch thuật.
Năm 1968, sau khi nhận bằng Cử nhân Đại học Văn khoa Sài Gòn, Doãn Linh đã lập tức được giao chức vụ hiệu trưởng trường Trung học Sùng Chính Khách gia Mỹ Tho. Năm 1969, nhận học bổng từ chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, sang Đài Loan nghiên cứu học tập tại Viện nghiên cứu Văn học Trung Quốc của Đại học Quốc Lập Đài Loan. Năm 1971, lấy bằng thạc sĩ văn học và tiếp tục học lớp tiến sĩ tại Viện nghiên cứu Văn học Trung Quốc Đại học Quốc Lập Đài Loan. Năm 1977, đạt học vị Tiến sĩ Quốc gia Văn học Trung Quốc. Làm giáo sư tại Khoa Trung văn và Khoa Pháp văn của Đại học Đạm Giang, Đạm Thủy.
Năm 1979, nhận học bổng từ chính phủ Pháp, đến Khoa Văn học hiện đại Đại học Paris 6, theo học về ký hiệu học, lý thuyết văn học và về Roland Barthes dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Julia Kristeva, đồng thời nghiên cứu những phương pháp về Hán Học với Giáo Sư Yves Hervouet tại Viện Nghiên Cứu Văn Hóa và Văn Học Viễn Đông, với Giáo Sư Jean-Pierre Diény tại Học viện Cao đẳng Thực tiễn Học thuật (EPHE), và Khóa Xã hội học văn học với Giao Sư Placide RAMBAUD tại Học viện Cao đẳng Nghiên cứu Khoa học Xã hội (EHESS) và đạt học vị Tiến sĩ Đại học Paris 7.
Năm 1985, từ Paris trở về Đại học Đạm Giang, giảng dạy tại Khoa Trung văn và Khoa Pháp văn, đồng thời đảm nhiệm Khóa trình “Văn học sử nước Pháp’’ và ‘‘Dịch thuật’’ tại Khoa Pháp Văn và Viện nghiên cứu Pháp Văn của Đại học Phụ Nhân và Xã hội học tại Viện Nghiên cứu Xã hội học, Đại học Đông Ngô.
Năm 1992, sáng lập một tạp chí thi ca “Taiwan Poetry” với 7 giáo sư đại học vừa là thi sĩ, đồng thời cũng là nhà phê bình.
Năm 1995, được trợ cấp của Hội đồng Khoa học Quốc gia Trung Hoa Dân Quốc, sang Paris (Pháp) nghiên cứu lý thuyết văn học, với các khóa học “Phê bình văn học phát sinh luận” và “Văn bản phát sinh học” tại Đại học Paris 8.
Năm 2005, được Đại học Chính trị Đài Bắc mời giảng dạy môn “Ngữ văn tiếng Việt”, khi trường này vừa mới thành lập Trung tâm Ngoại ngữ.
Năm 2007, được Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của Đại học Đạm Giang mời đảm nhiệm môn học “Văn hóa và Ngôn ngữ Việt Nam” cho đến nay.
Giải thưởng: giải Thơ mới Văn Nghệ Trung Hưng khóa 18 và giải Sáng tác thơ khóa đầu tiên của Hiệp hội Nghệ thuật Thi ca Trung Quốc. Hiện là giáo sư vinh dự của Khoa Văn học Trung Quốc tại Đại học Đạm Giang, Đài Loan.
Tác phẩm đã xuất bản:
“Khi đêm nở rộ như hoa”, “Cánh chim câu trắng lướt qua”, “Ngựa gỗ đu quay” (thơ thiếu nhi), “Tóc hay Dòng sông bội phản”, “Couscous”, “Thơ cắt lát Doãn Linh”; Chuyên luận văn học: “Lý luận văn học Pháp và thực tiễn”, “Xã hội học văn học”, “Tô Đông Pha và Tần Thiếu Du”, “Roland Barthes”, Quan hệ và ảnh hưởng văn hóa, văn học Trung Pháp Việt, Nghiên cứu Hán Học, Bình luận văn học v.v... Các dịch phẩm : tiểu thuyết Pháp “Văn minh đã giết cô ấy”, “Zazie trên Métro”, “Di chúc Pháp”, “Nhân chứng bất đắc dĩ”, cùng nhiều thơ tiếng Pháp, và truyện ngắn với thơ Việt Nam.
Tiểu Vũ