Trong một buổi hội thảo về con đường làm giàu, một diễn giả đưa ra câu hỏi rằng: “Làm thế nào để nhanh chóng đạt được mức thu nhập 20-50 triệu/tháng?”
Một kế hoạch được trình bày như sau: Hãy cung cấp dịch vụ rửa xe tại các bãi đỗ xe mỗi đêm với khoản phí là 300 ngàn đồng cả tháng. Buổi đêm nhàn rỗi, các nhân viên của tiệm rửa xe hoàn toàn có thể tới các bãi đỗ xe để tranh thủ làm việc.
Nếu khu vực đó có 5.000 chiếc ô tô, mỗi chiếc giao phí 300.000 đồng, vậy mỗi tháng có thể thu vào 1.500.000.000 đồng, số tiền một năm có thể lên tới 20 tỷ đồng.
Sau đó, vị diễn giả cho biết, những ai muốn tìm hiểu sâu hơn và có hứng thú tham gia kế hoạch thì liên hệ với ông ta để được tư vấn.
Khi mới nghe, kế hoạch có vẻ hợp lý nên cũng thu hút khá nhiều sự chú ý của mọi người. Nếu không có tư duy phản biện kịp thời, chúng ta rất dễ bị cuốn theo mạch dẫn dắt mà khán giả đó đặt ra.
Luận điệu này khá giống với cách mà đội ngũ bán hàng đa cấp “biến chất” hay sử dụng. Theo những gì họ nói, cả quốc gia có hàng triệu người, chỉ cần nhận được từ mỗi người 10.000 đồng thôi, ai cũng có thể trở thành tỷ phú.
Thế nhưng, điều này có khả thi hay không?
Đương nhiên là rất rất rất khó.
Chẳng hạn, cho dù có 5.000 chiếc ô tô, nhưng ai cam đoan rằng tất cả chủ xe đều cần rửa mỗi tối?
Tại sao họ phải lựa chọn dịch vụ rửa bên ngoài, trong khi với giá cả đó, họ có thể đánh xe tới các đơn vị chuyên nghiệp để được chăm sóc cả trong lẫn ngoài cho ô tô?
Chưa kể, tại các bãi đỗ xe đều có nhân viên trông giữ liên tục, camera hoạt động 24/7, quản lý túc trực để kiểm tra nghiêm ngặt, làm thế nào một người ngoài có thể vào bãi để tự ý rửa xe của khách?
Những câu hỏi này có thể tìm ra phương án giải quyết, nhưng chắc chắn hành trình giải quyết đó sẽ không hề đơn giản và dễ dàng như cách vị diễn giả hoàn toàn bỏ qua mọi khó khăn có thể phát sinh.
Rõ ràng, người dệt nên kế hoạch kinh doanh này đang đánh thẳng vào tâm lý hám lợi của khán giả. Những con số tiền tỷ khổng lồ có thể “che mờ” lý trí, khiến người ta bỏ qua rất nhiều lỗ hổng đã tồn tại từ đầu.
Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới chính là việc khuyết thiếu năng lực tư duy phản biện. Đây là 1 khái niệm rất quen thuộc, nhưng ít ai thật sự nắm được cách phát triển kĩ năng cực kỳ quan trọng này.
Một người với óc tư duy phản biện sẽ không dễ bị lừa gạt. Bởi lẽ, khi bạn đã quá quen với việc đào sâu suy nghĩ, đặt nghi vấn và tìm tòi giải pháp thì bạn sẽ dễ dàng nhận biết được đâu là thật, và đâu là giả, trong cuộc sống xung quanh mình.
Phần lớn những bước tiến vĩ đại của nhân loại đến từ những bộ óc đã từng 1 thời đặt câu hỏi trên những gì được cho là đúng thời bấy giờ. Einstein đã từng phản bác giả thuyết của Newton về trọng lực bằng việc cho ra đời thuyết tương đối – 1 giả thuyết được công nhận rộng rãi đến bây giờ.
Tư duy phản biện cũng là nguyên do dẫn tới sự khác biệt về tổng thể năng lượng, quyết định sự khác biệt trong thu nhập, vị trí và độ cao mà một người có thể đạt tới trong sự nghiệp.
Đây là nhân tố quan trọng để trở thành một chuyên viên cao cấp, một nhà quản lý hay một giám đốc bộ phận với mức lương từ 20 triệu đổ lên. Còn không, bạn sẽ chỉ có thể dậm chân như một nhân viên tầm thường, làm công ăn lương sớm tối chỉ nhận về thu nhập trung bình 5-7 triệu mỗi tháng.
Sự khác biệt lớn nhất giữa hai nhóm người này không phải con số, mà nằm trong tư duy.
Qua đó, chúng ta nhận ra 2 bài học quan trọng:
1. Tư duy Đãi cát tìm vàng vẫn hơn Tư duy Miếng bọt biển
Có một phương thức tư duy có đặc điểm tương tự như cách mà miếng bọt biển, phản ứng với nước bằng sự hấp thu.
Thông qua đó, bạn sẽ tích lũy được rất nhiều thông tin về thế giới một cách bị động, có được nền tảng để xây dựng hệ thống tư duy phức tạp hơn sau này mà không đòi hỏi quá nhiều nỗ lực tinh thần vất vả. Các thông tin có hình thức thế nào sẽ được giữ nguyên như vậy sau quá trình tiếp thu. Việc của bạn chỉ là tập trung và ghi nhớ.
Phương pháp tư duy thứ hai là bỏ công chọn lọc, phân tách những điều cần hấp thu và những điều cần loại bỏ. Để có thể đưa ra sự chọn lựa đó, bạn phải tiếp cận thông tin với một thái độ nghi vấn, chủ động tìm hiểu và xác thực thông tin.
Đây chính là quá trình “đãi cát tìm vàng”. Để có thể tìm được vàng trong cát sỏi từ một cuộc hội thoại, yêu cầu đặt ra là bạn phải thường xuyên đặt câu hỏi và suy ngẫm, cân nhắc về những câu trả lời.
Có như vậy, bạn mới không lệ thuộc hay tin tưởng bất cứ thứ gì mà mình được đọc, được nghe. Bạn có đủ không gian và thời gian để tự tư duy, hình thành hệ thống logic cho riêng mình, rồi sau đó mới thu nạp tri thức mới đã được kiểm chứng rõ ràng.
2. Sự phức tạp của thế giới đòi hỏi một tư duy phản biện
Không có tư duy phản biện, bạn chỉ nhìn được bề ngoài mọi vật. Sau đó, trong quá trình sinh sống và phát triển, bạn lại dựng nên những suy nghĩ, định kiến và cảm xúc riêng. Do đó, tính khách quan trong những quyết định đã bị mất đi phần nào, ảnh hưởng nghiêm trọng tới óc tư duy phản biện.
Rèn luyện khả năng lật ngược vấn đề sẽ giúp bạn đi tìm nguồn gốc, nguyên nhân, con đường mà thông tin đó hình thành. Cẩn trọng trong việc tin tưởng sẽ giúp bạn ổn định, bình tĩnh hơn trong xã hội ngày một phức tạp. Có như vậy, bạn mới có thể hạn chế đưa ra những quyết định sai lầm không cần thiết.
Phải biết rằng, khoảng cách lớn nhất chính là cách biệt về tư duy. Để thay đổi điều này, hãy đọc thật nhiều sách. Những tài liệu cùng lĩnh vực của nhiều tác giả khác nhau, dựa trên nhiều quan điểm khác nhau sẽ đem tới cho bạn cái nhìn đa chiều, toàn diện hơn để phát triển khả năng tư duy phản biện.
Trí thức trẻ