“Cách Của Người Đức” là tác phẩm đặc biệt mang tới cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt, toàn cảnh về cấu trúc chính trị và nền kinh tế của nước Đức, đồng thời cung cấp một cái nhìn đa chiều về sức ảnh hưởng, thách thức và những lựa chọn tiềm tàng của Đức đối với Liên minh châu Âu EU.
Đóng vai trò quan trọng trong những thăng trầm của lịch sử thế giới, vươn lên trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu sau nhiều mất mát, đổ vỡ, đóng góp nhiều phát minh khoa học cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử, có thể nói, Đức là một quốc gia và dân tộc đã góp phần định hình cục diện thế giới trong quá khứ và cả hiện tại. Từng là đại sứ đặc mệnh tòan quyền của Vương quốc Anh tại Berlin từ năm 1997, Paul Lever đã khắc họa “chân dung” nước Đức hiện đại chân thật và rõ nét dưới ngòi bút bậc thầy của mình.
Sau Thế chiến thứ hai năm 1945, nước Đức rơi vào “thời khắc số 0” tròn trĩnh đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: đất nước bị chia cắt, hoàn toàn sụp đổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Vậy mà chỉ sau chưa đầy vài thập kỷ, trong nửa sau của thế kỷ 20, Đức đã trở thành thế lực kinh tế - chính trị thống trị châu Âu. Đức đã “trỗi dậy” thần kỳ bằng cách nào?
Về chính trị, Đức xây dựng một nền dân chủ tự do với những tiêu chuẩn cao về kỷ luật, liêm chính, cộng với một hệ thống dịch vụ và hành chính công hiệu quả. Là một trong số các quốc gia sáng lập Liên minh châu Âu (EU), về mặt lý thuyết, vị thế của Đức không khác gì các thành viên khác, nhưng trên thực tế, Ủy ban châu Âu chưa bao giờ ra quyết sách mà không tham khảo ý kiến của Đức. Đức có sức ảnh hưởng lớn với Liên minh châu Âu, là tiếng nói chi phối tất cả quyết định quan trọng tại châu lục này. “Khi Đức còn chịu nói chuyện thì vẫn còn cửa cho bàn bạc. Một khi họ đã chốt ý kiến, vấn đề coi như xong” – Paul Lever viết.
Về kinh tế, bên cạnh nền giáo dục đào tạo lực lượng lao động giỏi, lành nghề, Đức còn dựa vào máy móc tinh vi, sự năng động, nhạy bén thương mại của cộng đồng doanh nhân làm động cơ tăng trưởng. Sự khác biệt của kinh tế Đức không chỉ nằm ở quy mô, mà còn ở bản chất của nó: Kinh tế Đức dựa trên sản xuất, họ làm ra hàng hóa mà người ta muốn mua: chất lượng cao, đáng tin cậy, và có tính sáng tạo kỹ thuật chứ không tập trung vào lợi thế giá cả.
Nền kinh tế Đức được nuôi dưỡng, phát triển trong môi trường ổn định: xã hội đoàn kết và an ninh cao độ. Đó là nguyên nhân để Đức luôn là một trong những quốc gia đặc biệt thành công trong xuất khẩu và sở hữu những thương hiệu cao cấp, uy tín hàng đầu thế giới.
Về văn hóa, con người Đức, “phong cách” Đức cũng hiện lên thật đặc biệt. Trong đó, nữ thủ tướng đương nhiệm Angela Merkel là điển hình như vậy. Anglela Merkel được miêu tả là một người phụ nữ luôn khiêm tốn, vui vẻ với nụ cười thường trực khi gặp gỡ riêng tư; nhưng sắc sảo, không bao giờ nói đùa, và bộc lộ cảm xúc khi là một chính trị gia trước công chúng. Với Paul Lever, Angela Merkel là sự nhân cách hóa của đất nước mà bà dẫn dắt: hiệu quả, tổ chức tốt và thành công nhưng có một chút nghiêm khắc, lạnh lùng.
Bằng ngòi bút sắc sảo và trải nghiệm của mình trong 6 năm làm đại sứ tại Đức, Paul Lever đã đem lại một cái nhìn xuyên xuyết độc đáo về nước Đức hiện đại. Ông chỉ ra được sự ảnh hưởng của lịch sử đất nước tới nền kinh tế và cấu trúc chính trị của Đức. Từ đó lý giải một cách sâu sắc vị thế chính trị, sự hồi sinh của nền kinh tế Đức trong EU và những tiên đoán về lựa chọn của Đức trước bối cảnh một Liên minh châu Âu có nhiều biến đổi, đặc biệt khi Anh rời EU sau cuộc bỏ phiếu Brexit.
Cuốn sách không chỉ cần thiết cho bất kỳ ai muốn tìm hiểu về nước Đức và người Đức, mà chứa đựng nhiều bí ẩn, những mối liên hệ và kiến thức cần biết về nước Đức – vị trí của Đức trong EU.
Sách do Thanh Yên dịch, First News thực hiện, NXB Tổng hợp ấn hành. Nhân dịp kỷ niệm 28 năm quốc khánh Đức (3.10.1990 – 3.10.2018) năm nay, First News trân trọng giới thiệu cuốn sách này.
Đôi nét về tác giả Paul Lever
Paul Lever là đại sứ Anh tại Đức từ năm 1997 đến 2003. Trước khi đảm nhận vị trí này, sự nghiệp ngoại giao của ông tập trung vào vào các vấn đề chính trị, kinh tế và an ninh của châu Âu. Ông từng làm việc cho NATO, Ủy ban châu Âu (với vai trò chủ tịch Ủy ban tình báo chung và Bộ Ngoại giao Anh (chức giám đốc EU và kinh tế). Từ năm 2004 đến 2010, ông là chủ tịch của Viện các Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh.