9 điều tôi “ngộ” ra được sau 5 năm đi làm: Có thực là người giỏi đi đâu mà chả được?

24/02/2020 09:19
9 điều tôi “ngộ” ra được sau 5 năm đi làm: Có thực là người giỏi đi đâu mà chả được?

Nhiều người luôn cho rằng mình làm tốt là bởi năng lực bản thân, mà quên mất rằng đó là bởi mình có một môi trường làm việc, một“sân khấu” phù hợp. Vì vậy, vừa xuống sân khấu, ngay lập tức mất đi ánh hào quang, dần dần từ minh tinh trở thành người bình thường.

Ở nơi làm việc, "sóng ngầm" là "đặc sản" không thể thiếu, mỗi một "tuyển thủ lướt sóng" không những phải bảo vệ tốt tài sản vật chất mà còn phải biết bảo vệ lợi ích của bản thân.

Không được hãm hại người khác, nhưng đồng thời cũng phải cẩn thận để tránh bị hãm hại, đặc biệt là khi đối mặt với những "vũng bùn" khó lường trước được độ sâu.

01
"Người giỏi đi đâu cũng được!"

Đối với những người làm ở các công ty lớn mà nói, khi đối mặt với việc đổi việc hoặc công việc có biến động, họ luôn có cho mình phương châm: người giỏi đi đâu chả được, tôi đến đâu cũng có thể "tỏa sáng".

Nhưng khi chuyển từ công ty lớn sang công ty nhỏ hoặc khởi nghiệp, lại gặp phải vô số vấp váp.

Đối mặt với chuyện tốt, con người có thói quen quy nguyên nhân về chính mình, còn đối mặt với chuyện không ra đâu với đâu lại thường đổ tại người khác hay hoàn cảnh.

Vì vậy, họ luôn cho rằng mình làm tốt là bởi năng lực bản thân, mà quên mất rằng đó là bởi mình có một môi trường làm việc, một "sân khấu" phù hợp. Vì vậy, vừa xuống sân khấu, ngay lập tức mất đi ánh hào quang, dần dần từ minh tinh trở thành người bình thường.

Vì vậy, nếu không muốn rơi vào cái "vũng bùn" này, bạn phải làm rõ, đâu là năng lực, đâu là "hoa hồng" mà môi trường làm việc đem tới cho bạn. Đừng ngộ nhận "sân khấu" là bản lĩnh, nếu không sẽ thua rất thảm.

9 điều tôi “ngộ” ra được sau 5 năm đi làm: Có thực là người giỏi đi đâu mà chả được? - Ảnh 1.

02
"Chúng ta là bạn tốt!"

Giữa đồng nghiệp với nhau luôn tồn tại kiểu quan hệ "xã giao", họ chủ động qua lại tạo mối quan hệ với bạn, kéo bạn về đội của mình.

Đầu óc đơn giản thì ngồi kể chuyện đồng nghiệp, ca thán lãnh đạo, nghe ngóng lương tháng, nhờ bạn giúp đỡ, "tâm cơ" hơn một chút thì lập hội nhóm, đấu đá giữa các bộ phận với nhau, còn bạn lại chính là "quân cờ" bị khống chế.

Ngoài mặt là bạn bè, nhưng một khi bạn mất đi giá trị lợi dụng hoặc chuyện gì đó bị bại lộ, vậy thì người "đâm" sau lưng bạn có thể chính là những "người bạn đích thực" kia. Vì vậy, ở nơi việc làm, tuyệt đối đừng "giao thiển ngôn thâm", quen biết thì ít mà lời nói ra thì nhiều là đại kị của con người, đừng cứ gặp ai đều ngay lập tức xem là bạn tốt, đừng mang tất cả những lời trong lòng ra nói với người khác.

03
"Tôi giỏi nhất!"

Ở nơi làm việc, không nên lúc nào cũng làm người tốt, nhưng cũng đừng tỏ ra quá sắc sảo, thấy mình cái gì cũng được, mình là người giỏi nhất công ty.

Nếu bạn thổi phồng, khoe khoang một cách mù quáng, vậy thì thời gian sớm muộn gì rồi cũng sẽ bóc trần lại bạn mà thôi.

Còn nếu bạn quả thực có thực lực, vậy thì cũng nhớ đừng quá thể hiện mình, nếu tài hoa của bạn khiến "ai đó" nóng mắt, khó chịu, vậy thì sau đó có thể chuyện gì cũng sẽ trút hết lên đầu bạn.

Chẳng hạn như bạn làm PPT rất giỏi, ông chủ khen bạn, vậy thì những đồng nghiệp khác sau đó có thể mỗi một lần cần tới PPT đều sẽ để bạn làm, bạn ở đằng trước làm việc kiệt sức, họ ở đằng sau làm người "cùng hưởng công lao".

9 điều tôi “ngộ” ra được sau 5 năm đi làm: Có thực là người giỏi đi đâu mà chả được? - Ảnh 2.

04
"Quay đầu bước đi là xong!"

Công việc không được như ý muốn, anh đây không làm nữa, thu dọn đồ đạc rồi rời đi, từ đây đường ai nấy đi, không còn tình nghĩa, thế là xong! Nếu nghĩ mọi chuyện đơn giản được như vậy thì bạn sai rồi.

Những lúc như này, sếp sẽ tìm bạn nói chuyện tình nghĩa hoặc tăng lương để giữ bạn lại, nhưng phải nhớ, nếu đã quyết tâm rời đi, vậy thì bạn phải kiên định với quyết định của mình. Bởi ông chủ khi biết bạn muốn nghỉ việc, dù có kịp thời giữ lại bạn thì lúc này bạn cũng không còn là một nhân viên trung thành trong quá khứ nữa rồi.

Bên cạnh đó, hãy làm rõ hai điều. Thứ nhất là chứng minh nghỉ việc để tránh những phiền phức sau này. Thứ hai, phải nói rõ vấn đề lương, bất kể bạn chủ động hay bị động trong việc xin nghỉ, vấn đề tiền bạc luôn phải rõ ràng.

05
"Tôi phải làm việc tôi thích"

Rất nhiều người nghỉ việc vì công việc nhàm chán, cố chấp muốn tìm kiếm công việc mà bản thân yêu thích cho bằng được, nhưng cũng chính điều này là nguyên nhân đem lại nhiều phiền phức cho họ.

Phàm là những người đi làm nhiều năm đều biết rằng sự khác biệt giữa ước mơ và hiện thực nó to tới nỗi có thể nhét vừa cả đỉnh Everest vào giữa, công việc bận rộn khiến bản thân không còn thời gian đi trải nghiệm thế giới tươi đẹp, lúc này, bạn sẽ phát hiện ra thứ mình thích chẳng qua chỉ là cái vẻ sáng loáng bên ngoài chứ không phải sự vô vị đằng sau công việc này.

Cứ như vậy, không ngừng nghỉ việc rồi lại đi làm, tìm mãi không thấy việc mình thích, rồi lại tiếp tục phiêu bạt đủ mọi ngành nghề.

9 điều tôi “ngộ” ra được sau 5 năm đi làm: Có thực là người giỏi đi đâu mà chả được? - Ảnh 3.

06
"Nơi làm việc không có chỗ cho giọt nước mắt!"

Khi bạn gặp phải bất công hay tủi thân ở chỗ làm, bất luận là bạn bè, người thân hay đồng nghiệp thân thiết đều sẽ nói với bạn rằng: ở nơi làm việc không có chỗ cho giọt nước mắt, cứ nhịn rồi sẽ qua.

Đúng vậy, trong quan hệ lao động, người lao động luôn bị xem là kẻ yếu, nhưng nếu bạn thường xuyên gặp phải bất công trong công việc, thường bị trách mắng, đổ lỗi mà không có lý do... vậy thì dần dần bạn sẽ mất đi sự tự tin, mất đi giới hạn của bản thân, sự nhiệt tình với công việc, thậm chí tự phủ nhận chính mình.

Nơi làm việc không phải là nơi đứng hay quỳ xuống để kiếm tiền mà là nơi thương lượng để kiếm tiền, là quan hệ công sinh, bạn bỏ sức, người ta bỏ tiền, cả hai cùng phụ thuộc lẫn nhau chứ không phải là nơi để biến bạn thành một người tự ti, là nơi để bạn phải lấy cả mạng sống, lòng tự tôn ra để kiếm tiền.

Nếu bạn có rơi vào cái hố này, hãy mau chóng thoát ra.

07
"Tờ giấy nhớ"

Nhiều khi, ở nơi làm việc, vì muốn tạo quan hệ tốt hay để giao lưu học hỏi, đồng nghiệp nhờ gì bạn cũng đều im lặng đồng ý, thậm chí còn lấy cả giấy nhớ ghi lại, giúp họ hoàn thành.

Mới đi làm, khó tránh khỏi việc trở thành "tiểu nha hoàn", bưng trà lấy cà phê, chân chạy vặt, lau dọn, in ấn photo... việc vặt gì chỉ cần hô bạn một tiếng, bạn ngay lập tức có mặt.

Đắm chìm với sự thỏa mãn khi "được" giúp đỡ mọi người, trở thành "tờ giấy nhớ" mà ai cũng có thể ghi vào rồi sai bảo. Nhưng về mặt công việc chuyên môn lại không làm được tới chốn, vì tốn hết thời gian làm mình mệt bởi mấy chuyện không đâu, không chuyên tâm được cho công việc chính.

Kiểu trông thì chăm chỉ nhưng lại không được chút lợi ích thực tế nào cho công ty như này, nên biết mà sớm dừng lại.

9 điều tôi “ngộ” ra được sau 5 năm đi làm: Có thực là người giỏi đi đâu mà chả được? - Ảnh 4.

08
"Cầm bao nhiêu tiền làm bấy nhiêu!"

Trong công việc, mọi người thường có một quán tính tư duy rằng: ông chủ trả nhiều tiền thì làm tốt công việc, trả ít tiền thì làm qua loa cho xong. Trả bao nhiêu làm bấy nhiêu, như vậy mình cũng không thiệt.

Nhưng những người mang trong mình suy nghĩ này, cuối cùng chỉ có một kết quả: làm bao nhiêu việc, được bấy nhiêu tiền.

Về vấn đề lương, không phải là có báo đáp mới có nỗ lực mà là nỗ lực rồi mới được đáp lại. Bạn muốn có được điều gì, bạn phải khiến mình xứng với nó.

Huống hồ, nỗ lực của bạn chưa chắc đã đáng tiền, hay được ông chủ nhìn thấy.

09
"Làm quản lý là an toàn rồi!"

Nói về vấn đề giảm tải nhân viên, ngoài những nhân viên có khả năng kém, phần còn lại bị sa thải chính là những quản lý trung niên có hiệu suất công việc thấp.

Rất nhiều người bước vào tuổi trung niên, dù ít nhiều cũng giữ chức vụ quản lý trung tầng nhưng hoàn cảnh lại khá éo le, bởi họ đã không còn có thể thích ứng được với tốc độ phát triển của công ty, nhưng mức lương mà công ty phải bỏ ra cho họ lại nhiều hơn những nhân viên thông thường.

Vì vậy, khi ngành nghề có sự lắng xuống, nghiệp vụ công ty thu hẹp, hay xảy ra biến động lớn, họ rất dễ bị xem là gánh nặng cần phải "vứt" bớt đi.

Vì vậy, trên con đường thăng tiến, không bao giờ có cái gọi là vị trí an toàn, bạn bắt buộc phải không ngừng rèn luyện, không ngừng tiến lên, không được tuột dốc không phanh. Khiến bạn ổn định hoàn toàn không phải chức vụ công việc mà là "tính không thể thay thế" của bạn.

Theo Trí Thức Trẻ


Gửi bình luận
(0) Bình luận
HẠT GIỐNG TÂM HỒN
2019 Bản quyền thuộc về hatgiongtamhon.com.vn. Phát triển bởi ONECMS
Thứ 7, 23/11/2024