Bạn sẽ không bao giờ trở nên giàu có bằng một công việc bán thời gian. Điều này cũng giống như một chú chuột Hamster cứ mãi chạy trong chiếc đu quay của mình, hết vòng này đến vòng khác trong vô định. Bạn cứ mãi chăm chỉ làm việc và nhận được một mức lương cố định hàng tháng. Vậy bạn có biết, cách sống của bạn cũng sẽ tương đương với số tiền mà bạn kiếm được không? Khi bạn được thăng chức, và kiếm được nhiều tiền hơn một chút cũng chỉ khiến mức chi tiêu của bạn tăng theo. Cách duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này chính là tạo dựng nên sự giàu có!
Dưới đây là 12 quy tắc vô cùng hiệu quả giúp bạn đạt được sự giàu có. Những kiến thức này tôi đã đúc kết được từ những người nổi tiếng như Warren Buffett, Nassim Taleb, Naval Ravikant và nhiều người khác. Tôi sẽ áp dụng nó trong suốt phần đời còn lại của mình và tôi khuyên bạn cũng nên làm như vậy.
1. Sau khi đã tiết kiệm, hãy chi tiêu với số tiền còn lại
Có một quy tắc về năng suất lao động được gọi là Quy luật Parkinson. Theo quy luật này, một nhiệm vụ đơn giản khi được thực hiện trong khoảng thời gian dài, cũng trở nên phức tạp và tiêu tốn nhiều thời gian hơn. Khi thời gian phân bổ cho nhiệm vụ đó càng ngắn, nó sẽ càng được giải quyết đơn giản và dễ dàng hơn. Điều này cũng có thể áp dụng cho thói quen chi tiêu của chúng ta. Nhu cầu chi tiêu của bạn sẽ giảm bớt khi số tiền dành cho khoản chi đó được giới hạn. Đây có lẽ là lý do vì sao Warren Buffet từng nói: "Đừng tiết kiệm số tiền còn lại sau khi chi tiêu. Thay vào đó, hãy để ra phần tiết kiệm trước và chi tiêu với số tiền còn lại".
Khi bạn quyết tâm tiết kiệm một khoản thu nhập cố định, đó là lúc bạn đang dần gia tăng tài sản của mình mỗi tháng. Điều này nghe có vẻ khá đơn giản. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường không thể cưỡng lại những cám dỗ, và gần như họ không thể tiết kiệm được bất kỳ khoản tiền nào. Họ không thể từ chối chi tiền cho một ngày cuối tuần đầy các hoạt động đắt đỏ. Họ cũng không thể nói "Không" với một chiếc điện thoại đắt tiền và không thể cưỡng lại sức hút từ những bộ quần áo sang trọng.
Nhưng bạn thông minh hơn thế! Hãy sử dụng một công cụ thông minh để tự động tiết kiệm tiền! Hầu hết các ứng dụng ngân hàng đều cho phép bạn thực hiện một dịch vụ chuyển tiền mặc định vào một tài khoản mà bạn mong muốn. Hàng tháng, ứng dụng này sẽ tự động trích một phần thu nhập của bạn và chuyển thẳng vào tài khoản này. Bạn sẽ tích góp được một khối tài sản nhỏ mà không cần phải suy nghĩ đến nó.
2. Đầu tư kinh doanh thêm một lĩnh vực khác
Tiết kiệm tiền là một thói quen rất tốt. Tuy nhiên, bạn sẽ không thể tránh khỏi rủi ro về lạm phát. Tiền sẽ bị mất giá trị hàng năm và đó là lý do tại sao, bạn nên biến nó trở thành những tài sản khác cho mình. Tài sản là những vật sở hữu được đánh giá cao về giá trị theo thời gian (như các tác phẩm nghệ thuật, bất động sản hoặc cổ phiếu), hoặc kiếm được tiền cho bạn kể cả khi bạn đang ngủ (như kinh doanh online, nhà hàng, đầu tư vào thị trường chứng khoán). Bên cạnh việc tiết kiệm tiền, hãy đầu tư kinh doanh để kiếm thêm tiền.
Bạn hãy xem công việc chính của mình là công cụ để bạn có thể tiết kiệm đủ tiền. Sau đó hãy trích ra một phần để đầu tư kinh doanh. Khởi nghiệp là con đường để bạn sáng tạo, và giúp bạn có cơ hội trở nên giàu có hơn. Mặc dù tiết kiệm vẫn có thể giúp bạn tích góp được tài sản, nhưng hãy cố gắng để có được tài sản càng sớm càng tốt.
Nếu bạn không biết bắt đầu từ đâu, tôi khuyên bạn nên cân nhắc đầu tư vào những mã cổ phiếu thuộc Quỹ S&P 500. Quỹ này tập hợp các cổ phiếu từ 500 công ty lớn nhất trong nhiều lĩnh vực, và lợi nhuận trung bình hàng năm thu về sẽ rơi vào khoảng 10%. Bạn sẽ không giàu lên trong một sớm một chiều, nhưng bạn gần như sẽ dần đạt được điều đó qua mỗi năm.
Đối với những người muốn bắt đầu kinh doanh, hãy làm việc đó sau giờ làm và dần chuyển sang làm công việc đó 100% thời gian, nếu nó có thể giúp bạn chi trả đủ cho cuộc sống.
Một lựa chọn khác nữa là hãy tiết kiệm đủ tiền để thanh toán các hóa đơn trong ít nhất 1 năm, sau đó hãy thử thách bản thân với những công việc mới để tăng cơ hội làm giàu.
3. Đừng đi tắt đón đầu.
Vào đầu năm 2020, tôi đã mất 90% số tiền tiết kiệm của mình vì một vụ đầu tư mạo hiểm với mong muốn làm giàu nhanh chóng. Tôi đã tham gia một sàn giao dịch Bitcoin, với lời hứa hẹn mức lãi kép có thể đạt đến 40%. Nghe có vẻ rất hấp dẫn và thực sự nó đã diễn ra như vậy. Sàn giao dịch này mồi chài mọi người bằng nhiều đợt thanh toán lãi và khi mọi người dốc hết tiền đầu tư vào, nó sẽ lấy hết tiền và biến mất vĩnh viễn. Việc đó thực sự là một bài học đắt giá đối với tôi.
Vì vậy, hãy ghi nhớ câu nói này của nhà đầu tư và nhà triết học Naval Ravikant: "Không có kế hoạch làm giàu nào nhanh chóng. Nó chỉ giúp người khác làm giàu nhanh hơn từ bạn!".
4. Đừng bao giờ mạo hiểm đầu tư tất cả vào một thứ.
Có một quy tắc toán học được các nhà đầu tư rất ưa chuộng, gọi là Tiêu chí xác suất Kelly. Nó có nghĩa là đừng bao giờ đặt cược mọi thứ vào một canh bạc duy nhất, ngay cả khi cơ hội thành công là rất cao. Tiêu chí Kelly áp dụng cho mọi thứ, từ các quyết định kinh doanh đến việc quản lý những mối quan hệ giúp bạn xây dựng danh tiếng của mình.
Dưới đây là một vài ví dụ, minh họa cách mà bạn có thể áp dụng nó:
● Đừng bao giờ dồn hết tiền vào một khoản đầu tư nhất định. Tất cả các tổ chức đầu tư đều đã được đánh bóng lên để trông có vẻ hoàn hảo, nhưng trong thực tế, nó có thể là yếu tố dẫn đến thảm họa về tài chính cho bạn.
● Đừng bao giờ hy sinh một mối quan hệ vì một số lợi ích tài chính. Sự giàu có của bạn sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu như mọi người ghét bạn.
● Đừng bao giờ tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp vì không có gì quý hơn độc lập tự do.
5. Hãy tạo ra giá trị riêng cho bản thân.
Ngày nay, việc xây dựng thương hiệu cá nhân đang là xu hướng thịnh hành. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều không hiểu ý nghĩa thực sự của việc này. Nó không phải là mặc quần áo, ăn uống hoặc nói chuyện theo một phong cách nhất định nào đó. Nó có nghĩa là bạn phải có đủ dũng cảm để công khai tên tuổi của mình vào một dự án hoặc một doanh nghiệp nào đó.
Đó là cách mà Elon Musk, Oprah Winfrey và Donald Trump đã xây dựng được những thương hiệu cá nhân khổng lồ. Họ không ngại làm điều này và tuyên bố với thế giới rằng: "Này mọi người, đây là những gì tôi đang làm hoặc đây là những gì tôi đang đại diện!".
Chắc chắn sẽ luôn có rủi ro khiến bạn thất bại! Tuy vậy, những thành tựu mà bạn đạt được sẽ trở nên vô giá. Mọi người sẽ tìm đến bạn để xin lời khuyên. Các công ty sẽ xếp hàng để trở thành nhà tài trợ cho bạn. Điều này cho bạn những cơ hội mới để tạo dựng nên sự giàu có.
Bạn không cần phải chế tạo tên lửa, tổ chức một chương trình truyền hình hay làm khuấy động cả trang Twitter để đưa tên tuổi của mình lên đó. Tất cả những gì bạn cần là một chiếc điện thoại thông minh và một nền tảng, nơi bạn có thể truyền tải ý tưởng của mình và những thứ bạn đang làm đến mọi người.
Nếu bạn đang có ý định mở một nhà hàng để kinh doanh, hãy tạo 1 tài khoản TikTok và chia sẻ công thức nấu ăn của bạn. Nếu bạn bắt đầu một công việc làm thêm, hãy chia sẻ kế hoạch và tình hình công việc hàng tuần trên một chương trình thu thanh podcast.
6. "Hãy đọc những gì bạn yêu thích cho đến khi bạn thích đọc"
Kiến thức cũng giống như nước. Nước ở đầu nguồn là nước trong lành nhất. Đầu nguồn của kiến thức chính là những cuốn sách và chúng vô cùng quý giá. Chúng ta đều muốn trở thành những người hiểu biết nhiều, nhưng lại liên tục lười đọc sách, bởi vì nó tốn thời gian, phức tạp và đáng sợ.
Hãy xem việc đọc sách như một thói quen! Bạn có thể phát triển nó bằng cách đọc bất cứ thứ gì, từ những câu chuyện vô vị đến tiểu thuyết, hay những bài báo do một gã hói đầu nào đó viết chẳng hạn. Theo thời gian, bạn có thể nâng cấp từ những nội dung dễ đọc, dễ hiểu sang những cuốn sách có nội dung nâng cao như Thinking, Fast and Slow, The Black Swan và Homo Sapiens,….
Đó là ý nghĩa của câu nói mà Naval Ravikant đã nói: "Hãy đọc những gì bạn yêu thích cho đến khi bạn thích đọc".
Vì vậy, ngay từ bây giờ, hãy đọc bất cứ thứ gì có thể khơi gợi trí tò mò của bạn. Đặc biệt, hãy nhớ rằng, mục tiêu cuối cùng là bạn có thể đọc các tác phẩm được viết từ những nhà tư tưởng giỏi nhất mà nhân loại từng có.
Đừng đếm số lượng sách mà bạn đã đọc! Mà hãy chọn lọc và đọc đi đọc lại 5 cuốn sách mình thích nhất 100 lần. Bởi vì, chúng ta sẽ quên hầu hết những gì mình đã học, trừ khi ta áp dụng và xem đi xem lại nội dung đó nhiều lần. Khi bạn liên tục tiếp cận với những kiến thức tốt đẹp, nhận thức của bạn sẽ được nâng cao và dễ dàng áp dụng chúng vào công việc và cuộc sống hàng ngày.
Giống như Bruce Lee từng chia sẻ: "Tôi không sợ người đàn ông tập 10.000 cú đá khác nhau. Tôi chỉ sợ người đã tập một cú đá trong 10.000 lần."
Theo TH