Viết tự do là kỹ thuật viết liên tục trong một khoảng thời gian nhất định. Người viết ghi lại tất cả suy nghĩ, ý tưởng xuất hiện trong đầu mình mà không quan tâm đến chính tả, ngữ nghĩa, nội dung. Viết tự do có thể tạo ra nội dung không hoàn chỉnh và chưa sử dụng ngay được, nhưng giúp người viết vượt qua các rào cản khi không bị kiểm duyệt.
Lưu ý, bạn cũng cần tôn trọng và trung thực ngay cả khi viết tự do. Bạn yên tâm là sẽ không bị ai phán xét nếu bạn không muốn cho ai đọc.
Việc viết tự do không gò bó sẽ giúp bạn tìm lại nguồn cảm hứng, tập trung hơn và kết nối với chính mình nhiều hơn. Viết tự do cũng là một cách thúc đẩy sự sáng tạo. Vì bạn không có kế hoạch trước, bạn hoàn toàn có thể nảy thêm những ý tưởng mới. Nó cũng là một cách để những cây viết mới vượt qua các rào cản ban đầu. Cứ để dòng chữ trôi đi mà không cần quan tâm tới chất lượng của bài viết, thậm chí nhiều người còn có thể khám phá ra giọng điệu của mình và viết với nhiều năng lượng hơn.
Bạn có thể viết thoải mái theo ý mình, tuy nhiên vẫn nên giới hạn thời gian để thật sự tập trung và không làm ảnh hưởng tới công việc khác. Giống như đứa trẻ khi rong chơi, thời gian chơi có hạn luôn khiến đứa trẻ “thòm thèm” và muốn tiếp tục vào ngày hôm sau.
Có những bài viết có tiêu đề ấn tượng nhưng vẫn khiến độc giả bỏ dở giữa chừng. Bạn biết vì sao không? Ngoài việc nội dung bài có vấn đề thì một lý do phổ biến khác là người đọc không cảm giác được sự tương tác của mình với người viết.
Tâm lý chung của con người là thích đọc các bài viết với giọng văn chia sẻ, tâm tình hơn dạng bài khô khan, học thuật. Chúng ta sẽ thấy mình được thấu hiểu nếu người viết tạo ra cảm giác như đang ngồi trò chuyện cùng nhau. Vì vậy, lối viết tâm tình sẽ giúp bạn đến gần hơn với người đọc và giữ chân họ cho đến cuối nội dung. Dưới đây là những gợi ý giúp bạn viết như thể đang trò chuyện với độc giả.
Đầu tiên, bạn đừng xưng hô chung chung như “mọi người", "các bạn", thay vào đó, hãy dùng từ “bạn” để người đọc cảm thấy bài này dành riêng cho họ. Ví dụ, “Bao lâu rồi bạn không khóc khi buồn? Bao lâu rồi bạn kìm nén những xúc cảm thật của mình chỉ vì muốn trở nên mạnh mẽ?”
Tiếp theo, bạn nên dùng ngôn từ mà độc giả hay sử dụng. Việc này giúp người đọc cảm thấy gần gũi hơn, như thể tác giả từng có trải nghiệm giống mình. Ví dụ khi viết bài chia sẻ cách chăm sóc thú cưng, bạn có thể dùng những từ như cún yêu, hoàng thượng, con sen... đang rất phổ biến trên mạng xã hội.
Việc sử dụng các câu hỏi cũng tăng tương tác với người đọc. Nó giống như khi trò chuyện, chúng ta thường hỏi để tạo sự tập trung hoặc chuyển sang nội dung mới. Hãy dùng các câu hỏi một cách khéo léo xuyên suốt bài viết. Sau các câu hỏi này sẽ là phần trình bày quan điểm của bạn. Người đọc có thể đồng ý hoặc không đồng tình với bạn nhưng chắc chắn họ sẽ tò mò xem bạn nghĩ như thế nào về vấn đề ấy.
Ví dụ, “Bạn có bao giờ cảm thấy sợ viết không? Mình thì có. Mình sợ bài viết nhiều sai sót. Mình càng sợ hơn là bài viết bị công kích hoặc chê bai. Mình còn sợ viết bài mà không ai thèm tương tác nữa. Mình đã từng có hàng tá nỗi sợ như vậy đó.”
Không chỉ câu hỏi, bạn cũng nên dùng câu chủ động trong phần lớn nội dung. Bạn sẽ thấy mọi người thường nói chuyện với cấu trúc như “Mình đọc quyển này mất 3 ngày” hơn là “Quyển này được mình đọc mất 3 ngày” phải không? Kiểu câu chủ động sẽ tự nhiên hơn, gần với giao tiếp hằng ngày hơn nên nó cũng dễ dàng tạo cảm giác thân thuộc với người đọc.
Khi giao tiếp, các câu chuyện chính là cầu nối giữa người nghe và người nói. Trong bài viết, bạn cũng có thể lồng ghép các trải nghiệm cá nhân để người đọc thấy thiết thực và thêm tin tưởng. Tôi từng bộc bạch: “Khi viết, tôi gần như có thể gạt mọi thứ qua một bên hoặc chí ít là tạm hoãn lại để hoàn thành bài viết trước. Có những hôm tuy mệt hoặc buồn ngủ nhưng tôi vẫn cố gắng viết cho xong bài. Nếu tôi hứng thú, quá trình viết sẽ suôn sẻ và nhanh chóng. Nếu không, tôi sẽ đọc đi đọc lại đề bài và chẻ nhỏ thành các câu hỏi. Cũng có một số ngày tôi không viết được. Lúc đó, cảm giác rất khó chịu, bứt rứt và đôi khi tự trách. Vậy nên tôi luôn cố gắng hạn chế điều ấy nhất có thể.”
Tựu trung lại, người viết muốn lời văn tự nhiên như đang thủ thỉ tâm sự với độc giả thì từ cách xưng hô, viết câu đến ngôn ngữ trong bài đều cần tạo được sự thân quen, dễ hiểu và tránh nhàm chán. Có như vậy, người đọc mới cảm hết cái tình và hiểu hết cái ý mà người viết muốn chia sẻ.
Viết chậm dường như là một hòn đá tự ti khiến những người mới bắt đầu con đường viết lách cảm thấy mình không có tiềm năng để trở thành cây viết chuyên nghiệp. Viết chậm cũng là một cái gai thiếu năng suất trong mắt những người viết lâu năm, khiến họ so sánh mình với những cây viết khác, và dần ăn mòn sự tự tin bên trong họ. Nhưng viết chậm có thực sự là dấu hiệu đáng lo như vậy?
Viết chậm để gieo mình vào từng con chữ - nghệ thuật “thả lỏng”
Khi viết chậm, bạn nhẩn nha nhặt chữ, cọ mình vào ngôn từ. Cơ thể thả lỏng, tâm trí thả lỏng, cảm xúc thả lỏng. Điều này cũng giống như cách bạn ngâm mình trong làn nước ấm, cảm nhận từng hạt bong bóng xà phòng tan ra trên làn da mịn. Khi viết chậm, bạn thả hồn vào ngôn từ, phiêu du trong giai điệu bằng trắc, ngắm nghía một thế giới văn chương đẹp đến say đắm lòng người.
Bạn sẽ thường bắt gặp bản thân ở chế độ “thả lỏng” khi đang viết cho chính mình, khi đang gửi gắm tâm tư tới một người nào đó, khi đang viết lên những vần thơ dạt dào xúc cảm, hay cả khi đang viết nội dung thương mại cho khách hàng mà bắt gặp một chủ đề ngập tràn cảm hứng.
Những lúc ấy, bạn hãy chiều chuộng bản thân một chút. Sự nuông chiều rất biết cách gõ cửa trái tim, khiến trái tim cất lên những tiếng hát trong trẻo nhất, để tiếng hát ấy thấm vào ngôn từ, vào nhịp điệu, thấm cả vào cái ý cái tứ rung rinh xúc cảm. Bạn có thể bật một giai điệu yêu thích, chọn một nơi chốn bình yên, đốt một hũ nến thơm ngọt dịu, pha một tách trà ấm áp.
Cứ như vậy, bạn thả lỏng mọi giác quan, chìm dần vào từng dòng suy tưởng, khiêu vũ với ngôn từ bên ánh nến lung linh, trong giai điệu của dòng thời gian chợt lắng.
Viết chậm để mài giũa viên ngọc ngôn từ - nghệ thuật “lên gân”
Khi viết chậm, bạn nghiêm khắc với những con chữ của mình hơn, đánh giá chúng cẩn trọng hơn, và từ đó mài giũa thành những viên ngọc đẹp. Điều này cũng giống như cách bạn tạo ra một món đồ thủ công tinh xảo, chầm chậm và tỉ mẩn đẽo tạc từng đường nét. Khi viết chậm, bạn ngắm nghía con chữ kỹ hơn, nhìn ra những điều chưa ổn, chỉnh sửa và tìm kiếm phiên bản ưng ý nhất.
Bạn sẽ thường bắt gặp bản thân ở chế độ “lên gân” khi đang viết bản thảo cho một cuốn sách ấp ủ, viết nội dung thương mại quan trọng trong một chiến dịch truyền thông, hoặc chỉ đơn giản là khi đang luyện tập viết nâng cao.
Những lúc ấy, bạn hãy nghiêm khắc với bản thân một chút. Sự nghiêm khắc biết cách khiến đứa trẻ trong bạn chấn chỉnh thái độ và cố gắng hoàn thiện nghiêm túc phần việc của mình. Bạn sẽ tránh được tình trạng viết cho xong, viết cho có hoặc viết để chống đối. Bạn có thể đọc lại bài viết vài lần, nhặt ra những từ chưa ưng ý, thay thế chúng bằng những từ ngữ khác. Bạn có thể đọc thành tiếng để cảm nhận giai điệu, sửa thanh bằng, thanh trắc hoặc thêm những điệp từ, điệp ngữ giàu tính nhạc. Bạn cũng có thể tự tóm tắt nội dung bằng sơ đồ tư duy, theo đó nhìn ra những lỗ hổng về mặt logic và điều chỉnh lại.
Cứ như vậy, bạn chầm chậm ngắm nhìn, chầm chậm cảm nhận, rồi một tác phẩm ngôn từ tuyệt đẹp sẽ dần được hoàn thiện bởi chính người nghệ sĩ bên trong bạn.
Chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện khả năng viết nhanh mà vẫn đảm bảo chất lượng. Giống như trong Marathon, quãng đường một vận động viên phải hoàn thành luôn giữ cố định ở 42km2, nhưng họ luôn tìm cách nâng cao thành tích bằng việc luyện tập cải thiện tốc độ để về đích sớm hơn.
Sau đây là một vài lời khuyên dành cho các “vận động viên viết" muốn tăng tốc mà vẫn “chất”.
Lời khuyên này có vẻ hiển nhiên nhưng không hề dư thừa. Luyện đánh máy 10 ngón không cần nhìn phím sẽ vô cùng hữu hiệu để bạn rút ngắn thời gian viết. Đánh máy thuần thục với tốc độ nhanh cũng giúp bạn giảm thiểu lỗi chính tả và “chạy” kịp những câu chữ liên tục xuất hiện trong đầu khi ý tưởng ào đến.
Nắm bắt sơ đồ chạy trước khi xuất phát là một trong những cách cải thiện tốc độ. Tương tự, tốc độ viết sẽ nhanh hơn khi bạn lập dàn ý. Việc này giúp bạn có cái nhìn tổng quát về bố cục, biết tiếp theo mình nên viết cái gì, đưa thêm dẫn chứng nào. Như vậy trong quá trình viết, bạn không phải mất thời gian suy nghĩ mình cần tiếp nối ý này ra sao.
Nếu viết ngắn, dàn ý của bạn có thể chỉ là vài gạch đầu dòng cho các ý chính. Nhưng khi viết dài hơn, bạn cần một dàn ý chi tiết với ý chính và các dẫn chứng đi kèm, thậm chí là cần tra cứu tài liệu minh họa, trích dẫn cần thiết trước khi vào “đường chạy viết".
Thử tưởng tượng bạn đang trên đà chạy thì bỗng xuất hiện thứ gì đó ngáng đường. Hoặc là bạn té ngã - mất luôn ý đang viết, hoặc là tốc độ của bạn chậm lại. Để tránh những hoạt động gây phiền nhiễu, bạn có thể chọn thời gian và không gian viết yên tĩnh, ngắt kết nối các phương tiện liên lạc, dành hoàn toàn tâm trí cho việc viết. Như vậy, dù thời gian viết rất ngắn, bạn vẫn viết được nhanh.
Bạn cũng có thể tham khảo các công cụ hỗ trợ để gia tăng sự tập trung khi viết:
- Cài đặt đồng hồ với một giới hạn thời gian cụ thể, bắt đầu là 5 phút một lần, sau đó tăng dần lên, 10 phút, 15 phút và 25 phút. Sau mỗi phiên viết, bạn nghỉ ngơi một vài phút rồi trở lại viết. Đây là phương pháp Pomodoro mà nhiều cây viết chuyên nghiệp đã áp dụng thành công để giữ sự tập trung cũng như tạo cân bằng giữa việc suy nghĩ và nghỉ ngơi.
- Sử dụng “công cụ viết nguy hiểm nhất thế giới” Squibble.io. Một khi viết trên nền tảng này, bạn không có cơ hội dừng lại suy nghĩ hay chỉnh sửa trước khi đồng hồ cài đặt trở về 0. Bởi bạn không nhìn thấy những gì mình viết và chỉ cần dừng lại quá 3 giây, những gì bạn viết trước đó đều mất sạch.
Trong lúc tập trung viết, gia tăng tốc độ ghi hoặc đánh máy, bạn có thấy mình để lại lỗi chính tả, lỗi ngữ pháp hoặc nảy sinh ý mới muốn bổ sung không? Đừng dừng lại vì nó sẽ làm bạn giảm tốc độ. Mọi thứ đều có thể chỉnh sửa sau khi bạn hoàn thành bản viết thô.
Nếu bạn lo mình sẽ quên mất ý cần sửa, hãy thử một số cách đánh dấu sau:
- Trực tiếp ghi ý cần sửa vào trang viết.
- Tạo khoảng cách dòng trên trang viết để dễ dàng tìm lại.
- Đọc lại bản viết thô ít nhất hai lần.
- Bật chế độ kiểm tra chính tả.
Một lưu ý quan trọng là trong Marathon, sức bền cũng quan trọng như tốc độ. Viết cũng cần sức bền. Vì vậy, sau khi đã hoàn thành bài viết với tốc độ nhanh nhất có thể, hãy cho phép mình thư giãn bằng các hoạt động khác rồi trở lại “đường đua” với tinh thần phấn chấn hơn.